Thứ Tư, 15 tháng 2, 2023

DUYÊN NỢ TRẦN AI (Chương XVI)

 


Những khi quán vắng khách, Kiều Loan thường ngồi ở quày, vẩn vơ nhìn sang công ty may đối diện phía bên kia đường. Nàng ngồi hằng giờ như vậy, chống cằm lặng im, và cứ thế để mặc cho những dòng suy nghĩ chạy lan man trong đầu như một chú ngựa hoang. Những hình ảnh đó hằng ngày vẫn lặp lại, phơi bày ra trước mắt, và đã trở nên rất đỗi quen thuộc đối với nàng. Cái hàng rào bằng bê tông màu xam xám, chạy dài miên man như một đoàn tàu hỏa. Hai cánh cổng sắt to và rỉ rét án ngữ ngay phía trước công ty, gần như lúc nào cũng đóng im ỉm. Cái bốt trực màu vàng ở cạnh cổng ra vào, cửa mở toang ra các hướng. Bên trong bốt, người bảo vệ già đầu tóc bạc phơ ngồi im như pho tượng, lặng lẽ đưa cặp mắt mờ đục quan sát ra xung quanh.

Công ty này trước đây vốn là một nhà máy cơ khí cán thép. Thời kỳ bao cấp, nó là một trong những nhà máy lớn nhất ở Miền Bắc và giải quyết công ăn việc làm cho hàng ngàn người. Đến khi gặp làn sóng cổ phần hóa, mô hình sản xuất trước đây đã không còn phù hợp nữa. Nhà máy lúc ấy gặp khó khăn, công nhân trở nên thất nghiệp, vì thế mà đã có rất nhiều người xin nghỉ việc để tìm nơi làm mới. Đến khoảng năm 1996 thì nhà máy giải thể, từ đó họ cho doanh nghiệp may mặc thuê lại mặt bằng cho đến tận ngày hôm nay.

Hằng ngày cứ đến đầu giờ làm, trước cổng công ty lại nườm nượp những người ra vào. Trong những bộ đồng phục màu xanh lá cây, các nữ công nhân cùng nhau đi vào nhà xưởng, trên tay họ là cây kéo cắt vải hoặc là những cuộn chỉ may đủ màu sắc. Từ bên trong phòng bảo vệ, lão Thiết đứng nghển cổ ngó ra, thi thoảng lại lên tiếng nhắc nhở bằng một cái giọng ồm ồm nhưng hãy còn rất khỏe:

- Mọi người hãy giữ trật tự nào, không được chen lấn nhau như thế!

- Cô kia!...Tôi đang nói cô đấy!...Để xe vào cho đúng chỗ đi!...

 Khi công nhân đã vào xưởng hết, sân nhà máy vắng lặng như tờ, ông lão lại còng lưng đẩy hai cánh cổng sắt nặng nề vào vị trí rồi khóa chúng lại bằng cái ống khóa rất to. Những khi ấy, tiếng bánh xe bằng sắt ma sát xuống nền xi măng và rít lên những âm thanh cót két chói tai, khiến cho tận phía bên kia đường cũng nghe thấy. Từ lúc này, lão Thiết chỉ mở cánh cổng xép cạnh phòng bảo vệ, đủ chỗ cho xe máy, xe đạp hoặc người đi bộ ra vào. Trong suốt ca trực, ông lão dành phần lớn thời gian ngồi trong cái bốt ấy nhìn ra bên ngoài. Tuy nhiên, thi thoảng ông cũng rời khỏi bốt, đi đi lại lại dọc hàng rào để kiểm tra xe cộ và làm một vài công việc lặt vặt nào đó. Cuộc sống của ông cứ diễn ra đều đặn như thế, ngày nào cũng giống ngày nào.

Ơ cuối dãy tập thể có một cái xép chỉ rộng độ chục mét vuông, nó hẹp nhất trong tất cả các phòng và cũng là nơi ở của ông lão bảo vệ. Đồ đạc bên trong gồm một cái giường cá nhân kê sát với góc phòng, một cái bàn con con để ngồi uống nước, chiếc tủ đứng để đựng quần áo và đồ đạc. Cạnh cửa sổ là chiếc xe đạp phượng hoàng cũ kỹ mà thi thoảng ông lại sử dụng để làm phương tiện đi dạo phố. Ngoài ra trong phòng còn có một số đồ đạc lặt vặt phục vụ sinh hoạt khác. Căn phòng lúc nào cũng xông lên mùi ẩm mốc và mùi khen khét của tàn thuốc lá. Lão Thiết lên thành phố làm bảo vệ và sống một thân một mình ở đây, nhưng gia đình lão thì lại ở tận dưới quê. Ở nhà quê cũng chỉ còn bà lão là đang ở trông coi nhà cửa một mình. Không muốn ở nhà với bà vợ già lắm lời, lão Thiết quyết định lên thành phố đi làm, phần vì lão thấy mình còn sức lực, phần cũng muốn kiếm đồng ra đồng vào. Nhưng có lẽ nguyên nhân chính khiến hai vợ chồng già phải sống hai nơi là vì ông bà thường khắc khẩu với nhau. Cung hôn nhân của ông phạm vào cái cách “Phu thê tương khắc”, vì vậy mà số ông là phải sống xa bà - lão thầy bói dạo trên phố đã có lần nói với ông như thế.

Những lúc rảnh rỗi, lão Thiết lại khép hờ cánh cổng rồi tranh thủ tạt sang quán “Cà phê hoa nắng” để ngồi nhâm nhi một lúc. Vốn là người hiền lành, cho nên lão được các cô nhân viên quán dành cho khá nhiều thiện cảm. Lão Thiết ít khi gọi cà phê như đa phần khách hàng đến đây. Sở thích của lão là thưởng thức vài ly rượu vang đỏ. Những lúc ấy, lão ngồi trầm ngâm suy nghĩ rất lâu, lưng thì gù hẳn xuống nom đến là tội nghiệp. Chẳng biết là lão đang nghĩ gì, chỉ thấy chòm râu bạc rung rung, ánh mắt thì bị hơi men làm cho đờ đẫn, mỗi lúc một chuyển sang màu trắng đục. Uống xong lão đứng dậy, run rẩy lần bàn tay to bè vào trong cái áo khoác lấy ra một mớ tiền lẻ đã cũ nhàu nhưng được xếp ngay ngắn. Trừ hôm nào lão dùng rượu hay cà phê, còn thì uống nước thì các cô gái không lấy tiền. Nhưng lão thì vẫn nhất quyết:

- Cảm ơn các cô đã ưu ái tôi! Nhưng kinh doanh thì cần phải có lãi. Nếu cứ đãi tôi suốt như thế này thì các cô sống bằng gì bây giờ. Tính tôi thích sòng phẳng. Đây! Cho tôi gửi!...Cô cứ cầm lấy cho tôi vui lòng!

- Vậy thì cháu xin cụ! - Hà đáp, rồi miễn cưỡng cầm lấy tiền từ tay ông cụ.  

Mùa lạnh, lão Thiết thường mặc bên ngoài một chiếc áo khoác kiểu đại cán màu xanh lá có những chiếc khuy bằng nhựa rất to. Lão mặc nhiều đến nổi người ta có cảm tưởng là lão chỉ có mỗi chiếc áo ấy thôi vậy. Thấy lão cứ mặc mãi một cái áo đã sờn mép và cáu bẩn như thế, Kiều Loan không khỏi thấy tội nghiệp. Nàng ái ngại nhìn lão, nói:

- Cụ ơi! Cái áo khoác của cụ chắc đã lâu rồi chưa giặt. Bên ấy có lẽ thiếu nước. Cụ cởi áo ra để cháu giặt hộ cho!...

- Như vậy thì phiền cô quá! Tôi là ai mà lại dám nhờ cô như thế kia chứ! – Ông cụ nói rồi ngồi co rúm người lại. Như thể là con rùa rụt cổ vì sợ người ta lột bỏ mất cái mai hữu dụng ra khỏi cơ thể mình vậy.

- Cụ đừng có ngại mà! Cháu chỉ giặt một loáng là xong thôi. Cụ cứ cởi ra đi!…- Kiều Loan mỉm cười, nhẹ nhàng động viên ông cụ.

- Thôi, thôi!...Tôi chẳng dám phiền cô đâu! – Ông cụ tiếp tục xua tay, lắc đầu quầy quậy.

- Thì cụ cứ mặc tạm cái áo khác. Chúng cháu giặt vài hôm là lại có áo cho cụ mặc ngay thôi mà! – Vân thấy hai người cứ giằng co mãi như thế, cũng sốt ruột nói thêm vào.

Đến lúc này, ông lão đành phải miễn cưỡng đứng lên, vụng về xoay ngang xoay ngửa để cởi áo ra. Nhưng vì luống cuống, lão vướng phải cái ống tay, người cứ ngắc ngứ như một con rối bằng gỗ. Kiều Loan phải phụ một tay thì mới giúp lão cởi được chiếc áo giáp hộ thân ấy ra. Nhìn nàng hối hả mang cái áo đi lên cầu thang để giặt, lão Thiết cảm động đến ngẩn ngơ. Hai mắt lão chớp chớp, cứ ngồi lặng giờ lâu mà chẳng biết nói gì.

Cứ thế, mỗi khi lão Thiết có quần áo bẩn cần giặt, Kiều Loan lại giúp ông giặt sạch, rồi là lại cho phẳng phiu. Thi thoảng cô cũng mua cho lão đồng quà, tấm bánh để bồi dưỡng. Nhận ân huệ từ người con gái xa lạ đã nhiều, lão Thiết cảm động lắm. Một lần, lão rơm rớm nước mắt, nói với cô:

- Tôi thật chẳng biết lấy gì để đền ơn cô!….Cô Kiều Loan ạ! Một lão già nhà quê như tôi, sống một thân một mình ở chốn này, nếu không có cô quan tâm thì cũng như một miếng giẻ rách vô dụng vứt nơi xó nhà thôi.

Kiều Loan chỉ bẽn lẽn, mỉm cười:

- Dạ không có gì! Xin cụ đừng có ngại.

Bất giác, lão ngước ánh mắt cầu khẩn nhìn cô, rụt rè:

- Cô Kiều Loan này!...Nếu cô không phiền…cho phép tôi từ nay được coi cô như con gái của tôi nhé. Cô cũng trạc tuổi con gái tôi ở quê, nó mới lấy chồng hồi năm ngoái…

Kiều Loan đỏ mặt im lặng, nàng chỉ ngồi im, đầu hơi cúi xuống, ánh mắt nhìn đăm đăm mà chẳng biết đang nghĩ ngợi gì.

Như để phá tan cái bầu không khí sượng sùng ấy, ông lão đứng lên, giơ cẳng tay lên, thề:

- Nhờ cô mà tôi được ăn mặc tinh tươm, cứ như là viên chức bàn giấy ấy. Có trời đất chứng dám, tôi sẽ không bao giờ quên ơn cô đâu! Cô Kiều Loan ạ, hễ cần gì thì cô cứ ới lão già này một câu. Lão sẽ làm hết sức để đền đáp tấm lòng thơm thảo của cô, kể cả hy sinh cái mạng già này!

Kiều Loan bật cười thành tiếng nhưng không nói gì. Nàng làm vậy vì thấy thương ông lão, chứ nào phải mong chờ gì sự báo đáp hay trả ơn.

o0o

Vừa nhìn thấy anh bước vào quán, đứa bé vội giằng ra khỏi tay mẹ, reo lên:

- A! Chú Hải Dương đến!...

Anh dang rộng hai cánh tay, ôm chầm lấy cái thân hình bé nhỏ đang lũn cũn chạy về phía mình rồi bế bổng nó lên.

- Hôm nay Bông có ngoan không? Có nghe lời mẹ không? – Hải Dương vừa hôn chùn chụt vào má đứa bé, vừa âu yếm hỏi.

- Cháu ngoan! – Đứa bé thủ thỉ, rồi ngượng ngùng áp chặt mái đầu vào ngực anh.

- Vậy thì để chú thưởng! Cháu thích ăn gì nào? – Hải Dương hỏi và đưa tay vuốt bộ tóc dài đen nhánh trên đầu nó. Mái tóc giống mẹ nó một cách lạ lùng.

Đứa bé sôi nổi hẳn lên, nó ngước cặp mắt long lanh đen láy, rồi chỉ tay lên quày:

- Cháu ăn Bim Bim!...

- Bông đừng làm nũng chú. Chú Hải Dương cũng đừng có chiều cháu như thế, nó hư! Cháu vừa mới ăn lúc nãy đấy! – Từ phía sau quày, tiếng Hà vang lên, nghiêm khắc.

- Chị cứ lấy cho gói Bim Bim kia!...- Hải Dương bế đứa bé tiến đến sát quày, mỉm cười, nói.

Hà thở dài, lấy gói bánh đưa cho con, nhưng vẫn không quên đe:

- Lần sau nhớ không được đòi quà chú nữa nghe chưa!

- Vâng ạ! – Đứa bé ngoan ngoãn đáp. Nhưng nó quên ngay lời mẹ, háo hức lần những ngón tay bé xíu để bóc gói bánh ra. Nó ăn một cách ngon lành, những cái răng nhỏ xíu như răng chuột nhai rau ráu những miếng bánh một cách thích thú.

- Thôi được rồi…! Bông lại đây với mẹ nào. Để cho chú Hải Dương và cô Kiều Loan còn nói chuyện! – Mẹ nó vẫy tay, ôn tồn nói.

Đứa bé hết ngước nhìn Hải Dương rồi lại quay sang nhìn cô Kiều Loan, nó thích thú nhại lại:

- Chú Hải Dương nói chuyện với cô Kiều Loan!...

Họ ngồi với nhau ở bộ bàn ghế ngay lối ra vào. Trong lúc trò chuyện, thi thoảng Kiều Loan lại âu yếm đưa tay sửa lại cho anh cái cổ áo xộc xệch hay phủi dùm anh cái vỏ hướng dương vướng trên người. Từ khi yêu nhau, cô không ngại ngần có những cử chỉ chăm sóc anh một cách công khai trước mặt những người khác như thế.

- Chào các anh các chị! – Vừa khi ấy có một giọng nói rụt rè của ai đó vang lên từ phía cửa.

Kiều Loan nhìn lên thì nhận ra lão Thiết đang đứng ở ngay cửa ra vào. Lão lịch sự cúi chào mọi người, bàn tay vuốt vuốt những chiếc cúc của chiếc áo đại cán sạch sẽ. Sau đó lão tập tễnh đi vào, chống tay ngồi một cách vất vả xuống chiếc ghế bên cạnh. Có vẻ như hôm nay lão bị đau chân thì phải.

- Mời cụ sang đây ngồi với chúng cháu cho vui! – Kiều Loan ngó sang, vui vẻ nói với ông lão.

Nhưng ông lão ngượng ngùng, xua tay:

- Xin cô cậu cứ tự nhiên đi cho. Tôi ngồi ở đây được rồi! – Lão lịch sự từ chối, nét mặt tươi tỉnh.

- Bữa nay quán chẳng có ai. Cụ đừng có ngại. Mời cụ sang đây, uống gì để cháu còn lấy luôn!...- Kiều Loan nói.

Lão Thiết nhấp nhổm định đứng lên, nhưng có vẻ vẫn còn ngần ngừ. Cho đên khi bắt gặp vẻ mặt tươi cười và ánh mắt khích lệ từ Hải Dương, lão mới mạnh dạn đứng lên và bước về phía họ.

- Chào hai cô cậu! – Lão gật đầu chào và từ tốn ngồi xuống mép ghế.

- Chào cụ! – Hải Dương cũng lịch sự đáp.

- Cụ đợi con một lát! – Kiều Loan nói và nhẹ nhàng đứng lên đi về phía quày.

Chỉ còn lại hai người đàn ông với nhau. Sau một phút do dự, ông lão quay sang làm quen với Hải Dương:

- Tôi hỏi khí không phải. Cậu có phải là Hải Dương không?

- Vâng!...Sao cụ lại biết con ạ? – Hải Dương ngỡ ngàng. Anh chưa gặp ông lão bao giờ, và cũng chưa nghe ai nói gì về ông cả.

Kiều Loan đã quay trở lại, nàng đặt ly cà phê xuống trước mặt ông lão:

- Mời cụ ạ!

- Vâng! Cảm ơn cô! – Ông lão đỡ lấy ly cà phê và ngước nhìn Kiều Loan với ánh mắt đầy vẻ hàm ơn.

Trong khi Kiều Loan ngồi xuống, lão quay sang hỏi Hải Dương:

- Tôi nghe nói anh yêu Kiều Loan phải không?

Kiều Loan cúi đầu thẹn thùng. Hải Dương nhìn hai người với ánh mắt đầy vẻ dò hỏi. Trong giây lát, anh chợt hiểu ra tất cả. Thì ra trước đó Kiều Loan đã nói với ông lão về anh. Nghĩ vậy, anh trả lời ông lão, giọng nửa đùa nửa thật:

- Cũng có thể nói là như thế ạ!...

- Đúng là đúng, mà sai là sai. Sao lại có chuyện “Có thể” được? – Ông lão nhìn anh, nghiêm nét mặt.

Hải Dương châm điếu thuốc, rồi cười:

- Nếu cụ đã nói đúng thì chắc là đúng thôi!

- Nói vậy thì được! – Ông lão cũng cười, rồi cầm thìa bắt đầu khuấy cà phê.

Lúc này khuôn mặt Kiều Loan đã đỏ dừ như mặt trời mới mọc. Ông lão nâng ly cà phê, nhấp một ngụm nhỏ. Sau khi e hèm một tiếng để lấy lại giọng, lão ề à nói tiếp:

- Chẳng dấu gì anh. Tôi với Kiều Loan đây cũng là chỗ thân tình. Tôi coi nó như con vậy. Nó là một đứa con gái xinh đẹp và nết na. Anh nhất định phải yêu thương và đối xử tốt với nó mới được. Nếu không – Nói đến đây, ông lão giơ nắm tay lên dứ dứ về phía Hải Dương – Nếu không… thì… anh sẽ biết tay tôi đấy!...

Nói xong ông lão cười, một nụ cười thật hiền, những nếp nhăn li ti bám quanh đuôi mắt đan chéo vào nhau chằng chịt như một mạng nhện.