Thứ Ba, 14 tháng 2, 2023

DUYÊN NỢ TRẦN AI (Chương II)

 


Lúc trời tờ mờ sáng, sương bắt đầu rơi nhanh một lúc. Dù chỉ là hơi sương, nhưng chừng ấy cũng đủ để khiến cho những mái nhà lô xô, những cành lá trong khu vườn ướt đẫm và lấp loáng ánh nước. Mấy ngọn đèn đường cũng đã tắt từ lâu, khung cảnh mỗi lúc một sáng rõ dần. Dọc theo con ngõ chạy quanh co, những ngôi nhà và hàng quán hiện ra im lìm, nhấp nhô như một dãy tường thành thời trung cổ. Đường sá hãy còn vắng tanh, nhưng chỉ chừng ít phút sau, đã có thể nghe thấy tiếng cửa xếp rít lên từ các ngôi nhà, tiếng người nói chuyện và đi lại ngoài đường lao xao. Những âm thanh sôi động và quen thuộc của một ngày mới.

Từ đầu con ngõ, người bán bánh mỳ trong chiếc áo bảo hộ lao động cũ sờn bổng đâu xuất hiện như mọc từ dưới đất lên. Anh ta vừa gò lưng đạp chiếc xe đạp lăn bánh chậm như rùa, vừa nghển cổ cất lên những tiếng rao vang vang, đều đặn.

- Bánh Mỳ…nóng giòn…đây!...

Trước cửa ngôi quán sửa xe hãy còn đóng im ỉm, có mấy đứa trẻ mang đồng phục và cặp sách đang đứng ngồi lố nhố. Dường như đã thành thông lệ, sáng nào chúng cũng tụ tập ở đây để đợi nhau đi học. Trong lúc chờ cho đông đủ, chúng vừa sôi nổi tán chuyện vừa í ới gọi tên nhau không ngớt. Gần đó, từ nồi nước dùng đang bốc khói nghi ngút của ngôi hàng phở, một mùi thơm  thơm tỏa ra ngạt ngào, quyến rũ. Bà chủ quán tóc búi cao, đon đả mời chào, trong khi tay thì vẫn không ngừng thoăn thoắt thái thịt và chần thêm hành để tra vào tô cho khách. Tọa lạc ngay ngã ba là hàng chè chén của cụ Chuẩn, khách khứa lúc này đã tụ họp xôm tụ. Người ta ngồi uống nước và hút thuốc, còn các cụ ông thì quây quần một chỗ với nhau để đánh cờ tướng. Quanh chiếc bàn con con được làm từ một tấm ván ép sơ sài, các cụ ngồi chơi cờ, các cụ tranh luận, rồi thì tiếng rít thuốc lào sòng sọc, tiếng quân cờ đập vào nhau chan chát vang vọng khắp cả con ngõ.

 

Lúc này trước cổng nhà trọ, Hải Dương đang đứng tập thể dục một mình. Giống như con phố nhỏ mà mình đang ở, chàng cũng chỉ vừa mới thức dậy cách đây được một lúc. Chàng vươn vai, rồi vừa tập vài động tác nhẹ nhàng vừa lơ đãng ngắm nhìn mọi thứ xung quanh với một ánh mắt vừa xa lạ, vừa thân quen. Cái cảnh tượng ấy giống như một bức tranh hiện thực sống động, nó luôn mang đến cho chàng những cảm xúc khác nhau, tùy thời điểm, góc nhìn hay tâm trạng. Kể cũng lạ, cái nhịp sống mà bề ngoài tưởng chừng vẫn diễn ra êm đềm ấy, kỳ thực là dòng chảy bên trong luôn đổi thay và chuyển động không ngừng. Trong sân nhà trọ, chỗ cái vòi nước được làm bằng đồng thau sáng bóng, Long đang ngồi chồm hổm để đánh răng. Chiếc bàn chải đo đỏ trong tay anh chàng cứ liên tục đưa qua đưa lại, khiến những đám bọt trắng xóa trào ra cả hai bên mép nom ngồ ngộ. Đánh răng xong, Long cầm cái ca nhựa đựng đầy nước, vừa súc miệng òng ọc vừa phun phì phì như một con trăn gió. Bữa nay Long học buổi sáng, vì vậy mà anh phải dậy sớm để còn kịp đến trường.

 

Hải Dương đứng ở cổng thêm một lúc rồi quay trở vào trong sân. Vừa khi ấy thì bắt gặp Long từ trong nhà dắt xe máy đi ra. Anh chàng đã kịp ăn mặc chỉnh tề và tóc tai gọn gàng như một tài tử sân khấu.

 

- Trưa nay cậu cứ đi ăn một mình nhé. Học xong mình còn phải đến nhà người quen một lúc… Không cần phải đợi mình đâu! – Long vừa nói vừa nghiêng người, tranh thủ ngắm nghía bộ ria được tỉa tót khá đẹp của mình trong chiếc gương chiếu hậu.

 

- Được rồi! – Hải Dương gật đầu - Rồi chờ cho Long ra khỏi cổng và nổ máy, anh từ từ đóng cánh cổng lại. 

Ngôi nhà thuê trọ của Long và Hải Dương nằm nép mình lặng lẽ dưới bóng những cây sấu già xanh tốt. Theo người chủ nhà kể lại, những cây Sấu này đã được trồng từ sơ đời cụ nội của ông còn sống. Ông nói rằng, ngay từ hồi còn nhỏ xíu, ông đã nhìn thấy chúng có mặt ở đây rồi. Năm tháng trôi qua, cây mỗi ngày một lớn, nổi u nổi sần và những tán lá thì cứ thế tỏa rộng thêm ra. Chỗ này vốn là nơi ở cũ của nhà chủ, bây giờ họ xây nhà mới, vì vậy mà dành ra để cho khách thuê trọ. Căn nhà nhỏ có ba gian, hai phòng ngủ và một phòng khách chính giữa. Kể từ khi hai chàng sinh viên Luật chuyển đến đây vào mùa hè năm ngoái, họ đã biến căn phòng khách trở thành phòng học chung cho cả hai, nội thất trong nhà cũng được thay đổi cho khác đi. Phía trước nhà có một khoảng sân nhỏ được vây kín bởi những bức tường gạch xây cao gần quá đầu người. Một không gian ấm cúng, yên tĩnh và hoàn toàn khép kín. Nơi góc sân, dưới gốc cây sấu lớn nhất có một cái bệ bằng xi măng, sẵn tiện Long để lên đó một đôi tạ tay để mỗi khi rỗi lại ra đấy tập luyện và thư giãn gân cốt. Thi thoảng buồn tình, anh chàng cũng ra đấy ngồi chống cằm suy nghĩ, dáng điệu gầy gò và khổ hạnh như một vị triết gia. Cũng có lúc cậu ta ôm cây guita cũ, rồi vừa gẩy đàn vừa hát nghêu ngao những bản tình ca dang dở bằng một chất giọng khàn khàn đặc trưng nhưng chất chứa đầy tâm trạng.

Ở đây vốn yên tĩnh, con ngõ nhỏ trước nhà thường ngày cũng ít người lại qua. Vào buổi tối càng trở nên vắng vẻ hơn, hàng quán chỉ mở đến 9 giờ tối, sau đó thì đóng cửa, đèn nhà ai nấy rạng. Vì cách xa đường phố chính đến vài trăm mét, khu vực này nom giống như một ngôi làng nhỏ ở nông thôn hơn là thành phố. Các con ngõ được kết nối và thông nhau như một bàn cờ, các ngôi nhà cũng được đánh số, tuy nhiên vì sự quản lý của cơ quan chức năng vẫn còn chưa thống nhất, cho nên người lạ đến đây nhiều khi cũng rất khó để tìm cho đúng địa chỉ nhà. Chính vì cái vị trí địa lý đặc biệt ấy mà khu phố đã mặc nhiên hình thành một nếp sống riêng biệt, hoàn toàn tương phản với những gì gọi là văn minh, náo nhiệt ở ngoài kia: Không lộng lẫy đèn màu, không cửa hiệu sang trọng, cũng chẳng có quán hàng xập xình suốt sáng thâu đêm.

Cách căn nhà trọ nhỏ xinh của hai chàng sinh viên một khu vườn là ngôi biệt thự ba tầng của nhà chủ mới xây, bề thế và kín cổng cao tường. Đó là một tòa nhà màu vàng, được xây theo phong cách Âu Châu, với những mái vòm uốn cong và những khung cửa chớp màu xanh da trời. Mỗi khi nhà có khách, chú chó Becgie vện vàng to như một con bê lại lao ra sủa ông ổng, khiến cho khách dù có cứng bóng vía đến mấy cũng không tránh khỏi phải một phen giật mình kinh sợ. Khu vườn mà chúng ta đã nói đến được trồng toàn những bưởi Diễn, hồng xiêm và táo giống mới. Chủ nhà là một người ham lao động, vì vậy mà ngay giữa thành phố chật hẹp, ông vẫn dành ra được một khoảnh đất xinh xắn như vậy để mà trồng cây và trổ cái tài làm nông khéo léo của mình. Hễ cứ lúc nào rảnh là người ta lại nhìn thấy ông lúi húi ngoài vườn với điếu thuốc cháy dở trên môi: Ông vun xới cho mấy gốc cây ăn trái, ông bắt sâu, bẻ cành, tỉa lá để cho chúng được ra hoa đậu quả nhiều hơn. Vì vậy mà người ta có thể nhìn thấy ở nơi đây một lúc hai cái khung cảnh nông thôn và phố thị cùng hiện diện. Ngăn cách khoảng sân và khu vườn với nhau là một bức tường thấp lấm tấm rêu xanh. Dọc theo bức tường ấy, những chậu cảnh bằng sứ được chăm sóc tỉ mỉ đặt ngay ngắn. Tùng phụ tử ôm ấp, cây lớn vươn cao tựa như đang chở che, bao bọc lấy cây con phía dưới. Cạnh đó là cây Thường Xuân xanh tốt, rồi đến hoa Lan Ý trắng muốt, ý nhị phô ra từ đám lá xanh rì, như đang muốn đua sắc cùng với những đóa hồng đỏ thắm rung rinh.

Ông cụ Hồng chủ nhà năm nay bước sang tuổi sáu lăm, mái tóc pha sương đã bạc trắng nửa mái đầu. Hồi trẻ ông cụ đi bộ đội, đóng quân ở mãi tận miền Quảng Trị nắng gió, nghe đâu là giáp ranh với biên giới nước Lào thì phải. Thời gian về sau, ông còn phục vụ ở nhiều đơn vị khác nhau trong cả nước, rồi chuyển dần ra Bắc, mãi cho đến tận ngày phục viên. Những năm tháng trong quân ngũ đã tôi luyện cho ông một sức vóc dẻo dai, khỏe mạnh. Người ông cao lớn, vai rộng và xuôi như vai gấu, tác phong hoạt bát, nhanh nhẹn. Mỗi khi ông nói hay cười, người ta lại thấy chiếc răng bọc vàng nơi khóe miệng lấp lóa, nom vừa sang, vừa điệu đà như một bậc trưởng giả thời nay. Cuộc sống chiến trường đã tạo cho ông Hồng hai thói quen khó bỏ: Ấy là hút thuốc và nói to. Mỗi lần như vậy ông mua cả cây thuốc lá, đem về cất kỹ trong ngăn tủ rồi cứ thế lấy ra hút dần. Loại thuốc mà ông hay hút là “Thăng Long” mềm, có vỏ bao màu vàng và in hình cột cờ Hà Nội đặc trưng. Cũng vì hút thuốc nhiều, thi thoảng ông lại ho sù sụ, nhất là mỗi khi tiết trời trở lạnh. Bà vợ ông là một bà lão người nhỏ thó nhưng khó tính, cứ dọa và bắt ông phải bỏ thuốc lá với đầy đủ lý do thuyết phục nhất trần đời. Nể lời vợ, ông cứ hứa, lần lữa mãi nhưng sau rồi đâu lại hoàn đấy.

Giống như mọi thứ khác ở trên đời, tình cảm cũng không phải là cái thứ gì đó bất di bất dịch. Chính vì vậy mà cái người đàn ông được tôi luyện từ kỷ luật thép quân đội ấy đôi khi cũng là một con người đa sầu đa cảm. Vài lần vô tình mở cửa sổ, Hải Dương lại nhìn thấy ông lão ngồi trước sân với một vẻ mặt âm thầm, ánh mắt đượm buồn, lão nhìn ra ngoài vườn và lặng lẽ hút thuốc. Những lúc nấy, nom lão già hẳn đi, lưng thì còng xuống, toàn thân bất động như một pho tượng được tạc bằng đá. Những nếp nhăn trên vầng trán rám nâu của ông hằn sâu, ánh mắt già nua càng trở nên thăm thẳm. Lão đang suy nghĩ về đời mình, một cuộc đời ba chìm bảy nổi với đầy đủ những cung bậc đắng cay pha lẫn ngọt bùi. Lão nhớ đến đứa con gái lớn đi xuất khẩu lao động bên Đức đã lâu, nay đã lấy chồng và định cư ở hẳn bên đó. Là đứa con có hiếu, nó gửi tiền về cho bố xây nhà và tiêu xài, nhờ thế mà đời sống gia đình lão cũng trở nên khấm khá hơn trước. Đến giờ này, cuộc đời lão coi như cũng đã được nhàn nhã và sung sướng phần nào. Nhưng cuộc sống con người ta thì chẳng bao giờ cho hết lo cả. Lão vẫn còn nhiều thứ để lo lắm. Cô chị đầu coi như đã an phận, nhưng cô con gái thứ hai năm nay đã ngoài ba mươi tuổi nhưng vẫn ở với bố mẹ mà chưa chịu đi lấy chồng. Con gái lớn như bom nổ chậm trong nhà, nhưng thương con, ông mở một cửa hiệu nhỏ trước nhà để cho nó làm nghề uốn sấy tóc ở đó. Cậu con trai út thì đang học đại học, chưa đi làm và cũng chưa yên bề gia thất. Ở cái tuổi này, ông đâu còn muốn nhìn thấy những sự dang dở nữa, điều mà ông mong muốn là mọi chuyện đều phải được an bài theo ý chúa. Nghĩ đến đây, ông lão rít một hơi thuốc thật sâu, ánh mắt đờ đẫn nhìn theo làn khói trắng bay là là ra ngoài vườn, vẩn vơ, len lỏi giữa những đám lá hồng xiêm xanh nõn đang vươn lên tua tủa.

Mỗi tháng hai lần, ông lão lại bơm nước sang cái bể trên nóc nhà trọ. Thường thì vào buổi chiều chủ nhật, ông đứng trên cái ban công tầng hai được trang trí khá đẹp của nhà mình và gọi với sang bằng một giọng ồm ồm như sấm:

- Long ơi! Chuẩn bị bơm nước nhé!

Cái bể con con chỉ độ ba khối nước, vì vậy mà bơm một lúc là đầy. Chừng nửa tiếng đồng hồ sau, ông cụ lại cất tiếng hỏi:

- Long ơi! Đã đầy chưa để cắt?

Lúc ấy, anh chàng Long lại lớn tiếng đáp:

- Được rồi!... Bác cắt đi ạ!

Lần nào mà họ quên, lỡ để cho nước chảy tràn ra thì ông lão vội vàng rút máy bơm, rồi vừa hớt hơ hớt hải chạy sang vừa luôn mồm kêu khổ. Ngước cặp mắt hum húp nhìn dòng nước chảy xối xả từ cái bể ra như một con đập tràn, ông lão dậm hết chân nọ sang chân kia, xuýt xoa như người bị đứt tay:

- Giời là giời!...Khổ ơi là khổ!... Chảy hết bao nhiêu là nước của tôi rồi!...

Rồi ông quay sang nhìn họ, giơ ngón tay lên, mặc cả:

- Hôm nào các cậu phải đóng thêm tiền nước đấy nhé!

Năm thì mười họa, phải có công buổi gì cần thiết lắm thì ông Hồng mới miễn cưỡng rời khỏi cái dinh cơ đồ sộ của mình để đi xa. Còn thì rảnh rỗi, ông chỉ quẩn quanh trong xóm hoặc sang quán chè chén đối diện của cụ Chuẩn ngồi uống nước, gù lưng đánh cờ và tán gẫu với các cụ già khác trong ngõ. Nói chung, đó là nếp sống lành mạnh của một quân nhân, kỷ luật và giản dị, ngoại trừ hai nhược điểm là nghiện thuốc lá và nói to như đã kể trên.

 

Hằng tháng, nếu đến hạn thu tiền nhà mà khách vẫn chưa kịp đóng thì ông cụ lại sang đòi. Vẫn là cái giai điệu quen thuộc ấy, ông cầm tờ giấy có ghi những con số nguệch ngoạc trên tay, thất thểu bước vào nhà với một vẻ mặt đầy thiểu não.

 

- Các anh đâu rồi?...Đã có tiền chưa? Thanh toán tiền nhà đi nào!... Bà lão nhà tôi đang nhắc đấy! – Ông cụ vừa nói vừa đưa những ngón tay đen đúa thô kệch lên đầu gãi gãi. Bao giờ cũng vậy, ông cứ đưa bà vợ mình ra để mà hù dọa và làm bình phong như thế.

 

 Long giả tảng như không nghe thấy, rồi với một thái độ xu nịnh không chút dấu diếm, anh chàng nắm lấy cổ tay ông lão, nói:

 

- Bác Hồng à! Căn biệt thự của bác đẹp và sang trọng thật đấy! Cứ sừng sững như là một pháo đài ấy…Lắm lúc cháu cứ đứng ngắm mãi mà không biết chán mắt. Thật chẳng khác nào cơ ngơi của một đại địa chủ hay quan lớn thời xưa cả!...

 

 - Chuyện! – Ông cụ phổng mũi, hai con mắt hấp háy vì cảm động.

 

Ngất ngây vì những lời khen có cánh của Long, lão vịn tay ngồi xuống ghế, che miệng ho khục khặc vài tiếng rồi bắt đầu hào hứng kể:

 

– Các anh biết không?…Hồi xây dựng ngôi nhà này…tôi phải mất bao nhiêu là công sức…Vật liệu thì nhất định phải tìm mua cho được những loại tốt nhất trên thị trường. Hao tốn tiền muôn bạc tỉ cơ đấy!...

 

Về đến nhà, ông lão chắp hai tay ra sau lưng, đi đi lại lại không biết bao nhiêu là bận trong sân. Rồi với một vẻ hãnh diện không thể nào dấu diếm, lão đưa cặp mắt ông chủ mà ngắm nhìn suốt một lượt cái cơ ngơi xinh đẹp của mình. Lão đứng giữa sân, khum khum bàn tay che ngang hàng lông mày, nheo mắt nhìn lên cái bóng đèn ốp trần ở tận tầng ba, cái mái ngói nhô ra cong cong như một cánh buồm đang lướt sóng…vẻ đắc ý lộ rõ trên khuôn mặt. Thường thì những lúc ấy ông sẽ quên đòi tiền nhà. Nhưng chỉ vài hôm sau, ông lão lại lò dò sang.

 

Với một thái độ ngượng ngùng, lão nói mà mặt cứ nghệt ra:

 

- Hai cậu thông cảm cho!... Tôi thì thế nào cũng được. Kể cả hai cậu có nợ tôi vài, ba tháng tiền nhà cũng chẳng sao. Vì tôi vốn rất quý hai cậu mà. Nhưng ngặt nổi bà lão nhà tôi, dù sao cũng là đàn bà, bà ấy keo kiệt và dữ dằn lắm!… Có khi còn dữ hơn cả con Phốc nhà tôi ấy chứ!… – Ông lão đặt tên cho con chó Becgie nhà mình là Phốc.

 

Dù sao thì hoãn binh cũng không phải là cái kế lâu dài, vả lại để khỏi phải nghe mãi cái giai điệu chẳng mấy vui tai ấy, họ chỉ còn có cách đóng ngay tiền nhà (dù phải vay mượn ở đâu đó) để tống tiễn ông lão ra về.