Thứ Tư, 15 tháng 2, 2023

DUYÊN NỢ TRẦN AI (Chương X)

 


Với chiếc áo phông trắng cổ tròn quen thuộc mặc trên người, cụ Hồng đang xăng xái đi đi lại lại trước cổng nhà mình để cổ vũ cho lũ trẻ con trong ngõ hái sấu. Bây giờ đang là mùa sấu, quả xanh, quả chín chi chít trên cành. Trên những cành cây rậm rạp, bọn trẻ vừa vạch lá, vừa mở to mắt thao láo để tìm kiếm những trái sấu tròn tròn và to như đầu ngón tay cái của người lớn. Chúng đu người, níu tay chuyền hết từ cành này sang cành khác và luôn miệng tíu tít với nhau như một bầy chim sẻ.

Cụ Hồng đưa tay che ngang mày, nheo nheo mắt nhìn lên. Rồi với một vẻ hồn nhiên như con trẻ, cụ chỉ tay vào một cành cây cong cong sà xuống gần chỗ mình đang đứng, nói toáng lên:

- Chỗ này có chùm quả to lắm này! Mấy cháu ơi!

- Ở đâu ông? – Lũ trẻ tròn xoe mắt, nhao nhao hỏi lại.

- Đây này! – Ông lão dậm chân, nói to, nhe cả hàm răng sún.

Vài trái sấu rơi xuống và lăn lông lốc dưới đất, ông cụ liền lom khom chạy theo, đưa tay nhặt lên rồi chùi chùi vào vạt áo và đưa lên miệng cắn một cách thích thú. Khuôn mặt nhăn lại như bị vì chua, cụ đang sống lại cái không khí trẻ thơ của những ngày xa xưa. Hồi ấy, chừng mười, mười một tuổi gì đó, cũng chừng tuổi lũ trẻ bây giờ, mỗi khi đến mùa sấu, cụ cũng hay trèo lên cây để hái quả cho mẹ làm nước giải khát và nấu canh. Và những lúc ấy, bà cụ lại ngồi cả buổi, tự tay tỉ mẩn chọn những quả tròn và cùi dày nhất để làm món nước sấu ngâm đường. Sấu được bà gọt sạch vỏ, luộc chín rồi ngâm với đường có thêm ít gừng mà ông rất nghiện uống. Mỗi khi đi học về hoặc sau một trận bóng mệt lử, uống cốc nước sấu ngâm đường với đá lạnh, vừa chua, vừa ngọt, vỏ sấu lại dòn dòn khi nhai, đến là mê. Hồi đó, những cây sấu còn thấp hơn, cành  lá cũng chưa được rậm rì như bây giờ.

Hải Dương vừa dắt xe máy ra khỏi cổng thì chạm mặt ngay với ông lão cũng đang đứng ở gần đó.

- Bác ạ! – Hải Dương bẽn lẽn chào.

Ông lão tò mò nhìn Hải Dương từ đầu đến chân, có vẻ là ông hơi ngạc nhiên vì thấy hôm nay bổng dưng anh lại ăn mặc lịch sự như sắp đi hỏi vợ như vậy. Ông nghiêng mình đứng né sang một bên để cho chiếc xe tiến lên, mắt vẫn không rời khỏi cái áo sơ mi trắng được là phẳng phiu mà anh đang mặc trên người.

- Anh chàng sinh viên đi gặp người yêu đó phải không? – Cụ vui vẻ lớn tiếng.

Nghĩ là ông cụ chỉ bắt noọng cho vui, Hải Dương bèn trả lời cho qua chuyện:

- Dạ không! Cháu đi có chút công chuyện thôi!

- Ông nói có mấy quả to ở đâu? – Một thằng bé đen nhẻm leo ra được chỗ cành cây cong, nó thò cái đầu cháy nắng ra khỏi đám lá đang đung đưa, lớn tiếng hỏi vọng xuống.

Ông lão vểnh ngược bộ râu lên, vẻ nhiệt tình vẫn chưa hề suy giảm:

- Chỗ đó đấy. Ngay gần tay cháu ấy!

- Ở đây ạ? – Đứa bé cố vươn cánh tay khẳng khiu đến gần chùm quả chín treo lủng lẳng trước mặt.

- Đấy! Đấy!...Với tay ra một chút nữa!...

Ông lão tươi cười coi bộ rất vui, rồi quay lại với câu chuyện còn bỏ dở.

- Anh dấu tôi làm sao được. Nhất định là anh đi gặp bạn gái rồi! – Ông nhìn thẳng vào mắt Hải Dương, giơ ngón tay lên, quả quyết.

Dù có hơi chột dạ, tuy nhiên Hải Dương vẫn hỏi lại ông lão:

- Làm sao mà bác lại có thể biết được cơ chứ?

Ông lão cười gằn, rồi vỗ vỗ bàn tay to bè và thô ráp như vỏ cây sấu già vào vai anh một cách thân mật:

- Chàng trai trẻ ạ! Học thức thì tôi không bằng anh, nhưng kinh nghiệm thì tôi có đấy. Nhìn cách anh ăn mặc chải chuốt thế kia thì cấm có sai. Trước đây tính anh vốn xuề xòa lắm kia mà. Hơn nữa, nom thái độ hí hửng của anh lúc này thì biết ngay! Trên đời chẳng có chuyện gì vui hơn cái chuyện đi gặp người yêu đâu! Ngày xưa yêu bà lão nhà tôi, tôi cũng như vậy đấy!...

Hải Dương rùng mình và cảm thấy sởn hết gai ốc, ông cụ nói đúng quá. Quả là gừng càng già càng cay. Những lời lẽ sắc bén và đầy thuyết phục của ông lão mỗi lúc như một dồn anh vào ngõ cụt, khiến anh cảm thấy chới với.

- Thật là chẳng thể dấu nổi bác điều gì nữa!...- Hải Dương lắc lắc đầu, thẹn thùng thú nhận.

- Ấy đấy! Tôi nói trúng tim đen của anh rồi đấy nhé! - Ông lão thích chí cười lớn, ánh mắt long lanh, rung rung cả chòm râu bạc. 

o0o

Hải Dương vừa đi, vừa chậm rãi đếm từng bước chân lên bậc cầu thang lát đá có những đường vân vện vằn như da báo. Anh thích cái cảm giác mỗi khi lên đây, nó ngăn cách và dường như là một thế giới khác hẳn so với cái đông đúc, ồn ào của quán cà phê bên dưới. Trong phòng, Kiều Loan đang ngồi đọc sách một mình, có vẻ như đó là một cuốn tiểu thuyết. Nàng đọc một cách chăm chú, hai hàng mi chớp chớp, cặp mày thanh nhíu lại, thoáng buồn. Dường như nội dung của cuốn sách đang thu hút tâm trí nàng, khiến cho nàng không để ý đến những gì đang diễn ra xung quanh. Trên bàn, những bông hoa violet được cắm trong chiếc bình gốm màu xanh ngọc tỏa ra một thứ hương thơm dìu dịu, thanh tao.

Anh nhẹ nhàng bước đến bên nàng và tò mò nhìn vào bìa cuốn sách.

 - Em đang đọc gì vậy? – Anh hỏi khẽ.

Kiều Loan không trả lời anh. Khuôn mặt nàng tỏ vẻ xúc động. Mãi cho đến khi ngước lên, nhận thấy sự hiện diện của anh bên cạnh, nàng mới thở dài, chậm rãi gập cuốn sách lại và để trên đùi. Vài giọt lệ ứa ra, long lanh nơi khóe mắt của nàng. Ánh mắt mơ màng, nàng nói mà như đang trong giấc mộng:

- Ôi! Cô gái trong câu truyện thật đáng thương biết bao. Một cô gái xinh đẹp và tốt bụng, tại sao lại phải chịu số phận bi thương đến vậy kia chứ?

Anh cảm thấy mủi lòng, bèn kéo khẽ chiếc ghế và ngồi xuống bên cạnh nàng, an ủi:

- Em đa cảm quá rồi đấy! Đó chỉ là những gì diễn ra trong thế giới tưởng tượng thôi mà!...

Nàng vội vàng lau nước mắt, sực tỉnh:

- Vậy mà em cứ ngỡ là thực. Dường như thế giới trong sách và ngoài đời không còn ranh giới nữa, vì nó rất thực, giống như những gì đang diễn ra trong cuộc sống này vậy. Hẳn tác giả cũng phải là nhân vật trong cuốn sách, cho nên câu chuyện mới chân thực đến thế. Phải chăng giữa sách vở và cuộc đời có một mối liên hệ nào đó thật là gắn bó với nhau phải không anh?

Anh cúi đầu suy nghĩ một lúc, rồi gõ gõ ngón tay xuống bàn, gật gù:

- Đúng vậy em ạ! Văn học chính là sự kết hợp giữa đời thực và hư cấu!...

Kiều Loan để lại cuốn sách lên bàn.

- Bữa nay anh không đi học hay sao mà lại đến thăm em vào lúc này? – Nàng hỏi. Cái giọng dịu dàng và êm ái mà anh đã nghe rất quen. Có vẻ như nàng đã lấy lại được sự vui vẻ và lạc quan, vốn là bản tính của nàng xưa nay.

- Bữa nay là cuối tuần mà! – Hải Dương tựa lưng vào thành ghế, đáp.

- Ừ nhỉ! Nếu như anh không nhắc thì em quên mất – Nàng nói rồi đứng dậy, nhanh nhẹn đi về phía chiếc tủ lạnh để ở cuối phòng. Trong lúc nàng bước đi, Hải Dương đắm đuối nhìn theo cái thân hình cân đối và mềm mại của nàng trong chiếc váy hoa màu xanh nhạt.

Nàng mở nhẹ cánh cửa tủ lạnh, hơi ngoái lại, hỏi:

- Anh ăn trái cây nhé!

- Tùy em thôi! Khách tùy chủ biện mà – Anh mỉm cười, đáp.

Nàng quay trờ lại và đặt đĩa hoa quả lên bàn.

- Em rất đẹp! Em có biết không? – Anh nói, trong lúc nàng vén váy ngồi xuống.

- Anh lại như vậy rồi! – Nàng lườm yêu anh, rồi nghiêm sắc mặt – Nhiệm vụ của anh bây giờ là học, chứ không phải là đi si mê nhan sắc của một cô gái nào đó nghe chưa!

Anh ngồi thẳng người lên, phụng phịu như một đứa trẻ biết lỗi. Anh vừa yêu tính cách đoan trang, lại vừa yêu cái vẻ yêu kiều của nàng. Hai thứ đó kết hợp một cách thật tinh tế trong con người nàng, làm nên sức cuốn hút lạ kỳ, khiến cho anh như lạc trong mê cung của sự mê đắm mà chẳng thể nào dứt ra được. Và trong lúc Kiều Loan ngồi gọt hoa quả, ánh mắt anh vẫn không ngừng nhìn nàng, khi đắm say, cháy bỏng, có lúc lại mờ đục đi như ánh mắt của một người say rượu. Còn nàng thì cứ vẫn điềm nhiên như không, ngoan ngoãn như một chú mèo con, dịu dàng và thuần khiết.

Ánh nắng đã lên cao, xuyên qua khoảng sân thượng đằng trước và chiếu đến chỗ hai người đang ngồi những vệt sáng hồng hồng. Mùi hoa violet thoảng đưa, không gian mơ màng như đang thiêm thiếp ngủ. Cái không gian đã cuốn hút Hải Dương, khiến anh có thể quên đi cả thế gian, và thậm chí là chẳng thèm đoái hoài đến tất cả những gì đang diễn ra bên ngoài kia nữa.