Thứ Tư, 15 tháng 2, 2023

DUYÊN NỢ TRẦN AI (Chương XII)

 


Lúc trời còn tờ mờ sáng, Kiều Loan đã thức dậy để chuẩn bị bữa sáng như mọi khi. Nhưng hôm nay nàng còn nấu thêm cả phần Hải Dương, hy vọng là anh sẽ đến để cùng ăn sáng với mình và Vân. Vừa lúi húi làm bếp, nàng vừa suy nghĩ về chuyến đi chơi sắp tới và hồi hộp chờ anh đến. Nấu xong, nàng đậy nắp vung lại cho nóng, cẩn thận tắt bếp ga rồi quay ra chỗ Vân. Cô nàng đang ngồi xoãi chân ra giữa phòng, bên cạnh là cái túi du lịch to đùng và đủ thứ đồ đạc bừa bộn khác. Vân hết bỏ vào rồi lại lấy ra, cẩn thận tính toán làm sao để có thể sắp xếp được nhiều món đồ nhất. Lúc cái túi đã đầy và tưởng chừng không thể đựng thêm được nữa, cô nàng ngần ngừ một lúc, rồi lại kéo khóa ra và nhét thêm vào đó một cái áo hoa xẻ tà nữa. Về nhà có vài hôm mà Vân mang đến là lắm thứ, cứ như thể là đang chuẩn bị để đi công tác lâu ngày không bằng. Từ chiều hôm qua, sau khi ở nhà Hải Dương về, Vân và Kiều Loan đã ghé ra phố và mua sắm đủ thứ: Nào là quà bánh, quần áo, và rất nhiều những thức lặt vặt khác mà ở nhà quê không có nữa. Đã lâu rồi Vân chưa về nhà, vì vậy mà tâm trạng cô nàng lần này cũng khá chộn rộn.

 Hai người sửa soạn xong hành lý thì bắt đầu ngồi vào ăn sáng. Từ sáng, hai gò má Kiều Loan cứ nóng ran và đỏ hây hây. Mắt nàng sáng long lanh, đi đứng hay làm bất cứ việc gì cũng hậu đậu, khác hẳn với cái vẻ ý tứ ngày thường. Trong lúc ăn, Vân không khỏi không nhận ra điều đó. Thấy Kiều Loan hấp tấp đánh rơi cái thìa xuống mâm, Vân hỏi:

- Mày bị làm sao thế?

- Có làm sao đâu. Chỉ là hơi vội thôi mà! – Kiều Loan đỏ mặt, chối.

Nhưng Vân cũng đâu phải tay vừa:

- Vội mà mặt cứ đỏ lựng như đứng bên bếp lò thế à. Mắt mũi thì cứ lấm la lấm lét như là đứa ăn cắp ấy!...

Kiêu Loan im lặng, nàng vờ cắm cúi ăn rồi kín đáo liếc mắt nhìn ra phía cửa – Không biết là anh có đến không? Với nàng mà nói, nếu như anh không đến, chuyến đi chơi lần này coi như cũng chẳng có ý nghĩa gì nữa cả. Không có anh, nàng đâu còn động lực và tâm trí để mà vui chơi nữa kia chứ. Sáng nay nàng mặc bộ đồ đẹp và ưng ý nhất là cũng chỉ để chờ anh đến để đi cùng. Còn không, nàng ăn mặc thế nào mà chẳng được, xưa nay tính nàng vốn đơn giản mà. Thi thoảng Kiều Loan lại giơ tay nhìn đồng hồ. Gần sát giờ mà vẫn chưa thấy anh đến, nàng bắt đầu cảm thấy lo lắng thật sự. “Hay là chàng không nhìn thấy tờ giấy? Có thể tờ giấy bị rơi, hoặc đã bị ai đó lấy đi mất?” – Nàng lo lắng nghĩ ra những giả thiết không may. Nàng bồn chồn, đụng tay, đụng chân vô cớ, lúc nào cũng dỏng tai lên để chờ đợi tiếng chuông gọi cửa bất chợt vang lên.

Lúc 7 giờ, Vân bước thình thịch từ dưới nhà lên, đứng chống tay trước cửa và lớn tiếng dục:

- Chúng ta đi thôi. Anh chàng của cậu có lẽ không đến đâu! Còn nửa tiếng đồng hồ nữa là xe đã chạy rồi.

- Hay là chúng ta cứ đợi thêm chút nữa xem sao! Từ đây ra bến xe chỉ mất có mấy phút thôi mà - Kiều Loan van vỉ, miệng méo xệch đi vì thất vọng.

Lúc này Hải Dương đang trên đường từ nhà tới đây. Trên đường đi, anh còn bận tạt vào một cái bốt điện thoại công cộng ở bên đường. Lẽ ra hôm nay đi dạy kèm, nhưng vì chuyến đi cho nên anh phải gọi điện để thông báo cho Tùng nghỉ học và hẹn cậu học sinh của mình sẽ dạy bù vào một buổi khác.

Mãi đến gần bảy rưỡi Hải Dương mới tới nơi. Anh dừng xe trước quán, rồi vội vàng bấm chuông. Đang mong khổ mong sở, nghe thấy tiếng chuông, Kiều Loan tươi tỉnh hẳn lên. Tim như muốn thoát ra khỏi lồng ngực, nàng chạy ù ra ban công rồi vịn tay ngó xuống.

- Đến rồi! - Nàng reo lên khi nhìn thấy chiếc vespa màu trắng của anh dựng trước hiên nhà. Rồi quên hết cả ý tứ, cứ thế nàng lao xuống cầu thang như một cơn lốc.

Kiều Loan mở cửa ra. Hải Dương đang đứng trước mặt nàng, nét mặt căng thẳng, trên tay anh là cái túi bóng có đựng mấy chai nước suối và bánh ngọt.

- Tôi mua mấy thứ này để cho hai người ăn lúc đi đường! – Anh nói và vụng về trao cho cô cái túi.

- Vậy mà em cứ tưởng là anh không đến! – Nàng phụng phịu, vài giọt lệ tủi hờn long lanh ứa ra nơi khóe mắt. Những phút giây chờ đợi đã khiến nàng không còn kiểm soát được cảm xúc của mình nữa rồi.

- Tôi nghĩ là đi chơi…vậy nên chậm một chút cũng chẳng sao!…- Thấy sự thể có vẻ nghiêm trọng, Hải Dương lúng túng, phân bua.

 - Thôi! Anh dắt xe máy vào trong nhà đi. Chúng mình sẽ để xe ở đây và đi ô tô – Nàng lau nước mắt, nhận lấy cái túi từ tay anh rồi âu yếm dục.

Trong lúc hai người đi lên lầu, Kiều Loan trở lại vui vẻ và líu lo như một con chim sáo:

- Bây gì chúng mình sẽ đi ra bến xe. Vân đang đợi ở trên lầu đấy. Nhanh nhanh lên anh!…kẻo sắp đến giờ xe chạy rồi!...

Vân đang đi đi lại lại bên mấy cái túi hành lý, hết dậm chân nọ đến chân kia, trong lòng như có lửa đốt. Cô nàng đã kịp thay bộ đồ mới, bên ngoài còn khoác thêm một chiếc áo gió mỏng màu cánh sen để đi đường.

- Đây rồi! – Vân thở phào khi vừa nhìn thấy hai người. Và trong lúc Hải Dương vẫn còn chưa kịp chào hỏi gì cả, cô đã chỉ tay vào cái túi đặt ở giữa phòng, liến thoắng - Anh Hải Dương mang hộ tụi em cái túi nặng nhất này. Chúng ta phải ra bến xe ngay bây giờ, chỉ còn mười lăm phút nữa là xe chạy rồi. Từ đây về quê em chỉ có mỗi chuyến xe ấy thôi, nếu bỏ lỡ thì sẽ không còn chuyến khác nữa đâu!….

Hải Dương nhấc cái túi lên, động tác lẹ và dứt khoát như một người lính ngoài thao trường, trong khi Vân chụp vội cái mũ để trên bàn và đội lên đầu mình. Kiều Loan bỏ cái túi Hải Dương vừa mới đưa lúc nãy vào ba lô của mình rồi khoác lên vai, sau đó cô bước ra ngoài và bắt đầu khóa trái cửa lại.

Cả ba người tay xách nách mang hành lý rồi đi bộ ra ngã ba đường gần đó và bước lên một chiếc taxi màu xanh đang đợi sẵn.

o0o

Bến xe khách thành phố lúc này đông nghịt những người. Lẫn trong tiếng người ồn ào, tiếng loa thông báo giờ xe chạy gấp gáp, thúc dục. Nắng đã bắt đầu chói chang, khiến cho người ta càng có cảm giác bức bối hơn vì cái cảnh chen lấn, xô đẩy. Lo sợ bị nhỡ chuyến xe, ba người bạn của chúng ta như bấn cả lên. Hành lý trên vai, họ men theo bức tường màu vàng của tòa nhà bán vé để tiến vào khu vực phía trong bến xe, nơi có những chiếc xe khách đậu thành ngang hàng san sát. Cũng chẳng cần phải tốn nhiều thời gian, chỉ vài phút sau, Vân đã nhanh chóng nhận ra được chiếc xe khách quen thuộc chạy qua nhà mình. Có vài hành khách đang lục tục bước lên xe.

Nhìn thấy ba người họ tiến lại gần, người lơ xe thấp bé có cái đầu cạo nhẵn thín đang đứng trước cửa xe liền vẫy tay, dục:

- Xe sắp lăn bánh rồi. Mấy anh chị xoắn lên cho một chút nào!...

Vướng cái túi cồng kềnh, Hải Dương phải vừa đi vừa hích vai chen lấn một lúc mới tiến được đến chỗ chiếc xe đang đậu. Anh dừng lại trước cửa xe, nhường cho Vân và Kiều Loan lên trước, rồi tự mình leo lên sau cùng. Người lơ xe đỡ dùm cho anh cái túi nặng rồi xách băng băng lên xe. Trong xe chỉ còn vài, ba hàng ghế trống là chưa có người ngồi. Ba người họ tìm xuống và ngồi vào cùng một hàng ghế ở gần cuối xe. Vân ngồi cạnh cửa sổ, Kiều Loan ở giữa, và ngoài cùng là Hải Dương.

Lúc xe bắt đầu rời bến, Vân và Kiều Loan chụm đầu rì rầm chuyện trò với nhau không biết những gì. Một lúc đã chán, họ lại quay ra phía cửa để ngắm nhìn khung cảnh bên đường. Xe đã ra khỏi thành phố. Những ngôi nhà loang loáng, những rặng cây và bãi cỏ xanh rì lần lượt lướt qua. Gió mùa thu lùa qua khung cửa, mát lạnh và dễ chịu. Tiếng xe vẫn rung lắc đều đều, Kiều Loan để cái túi vải lên đùi, rồi tựa vào vai Vân, thiu thiu ngủ. Cạnh nàng, Hải Dương ngồi khoanh tay, đăm chiêu với những cảm xúc lẫn lộn của mình.

Chừng hai tiếng đồng hồ sau thì xe về đến quê Vân. Kiều Loan cũng đã thức dậy từ lâu. Cô ngồi nhìn ra ngoài, mặc cho làn gió tự do mơn trớn những lọn tóc mềm mại trên đầu mình, mắt mở to, háo hức. Ngoài kia, hàng Bạch Đàn soi bóng xuống dòng kênh, khiến cho màu nước trở nên trong xanh như ngọc bích. Những đồi cây um tùm như bát úp, nằm rải rác trên khắp cánh đồng lộng gió. Từ chỗ đầm nước trắng xóa dưới chân đồi, một đàn cò trắng vỗ cánh bay là là rồi sà xuống những đám ruộng gần đó. Chúng nghển những cái cổ dài, ngó nghiêng và cất tiếng gọi nhau quàng quạc. Màu của những bộ lông trắng muốt, lấm tấm như sao, nổi bật lên giữa cái bạt ngàn xanh tươi của ruộng lúa. Khung cảnh miền trung du đã hiện ra trước mắt.

Vân vịn tay vào thành xe, bồn chồn nhìn ra bên ngoài cửa sổ.

- Đến khe nước lớn thì anh cho chúng tôi xuống nhé! – Cô hướng về phía người phụ xe lúc này đang ngồi quay mặt xuống phía hành khách, cất tiếng lanh lảnh.

- Ngay phía trước kia, phải không? – Người phụ xe cẩn thận hỏi lại.

- Phải!

Xe giảm tốc độ, và lúc sau thì dừng lại ở một ngã ba miền núi vắng vẻ. Họ bước xuống xe và nhìn thấy một cái khe đất đỏ lở lói ở bên đường. Những cây cổ thụ cao lớn nằm dọc theo bờ khe, rễ bám sâu vào thành vách như những chiếc vòi bạch tuộc khổng lồ. Một cây cầu xi măng bắc qua, sâu phía dưới lòng khe, dòng nước trong veo chảy róc rách như hát. Gọi là ngã ba nhưng chỉ có mấy ngôi nhà và hàng quán thưa thớt. Ngay ngã ba có một xưởng cưa bỏ hoang, dọc theo các bức tường màu xam xám, cỏ mọc tốt lút và hầu như che kín tất cả những khúc gỗ nằm chỏng chơ trên bãi xẻ.

Ba người bạn băng qua sân xưởng cưa, đi hết cây cầu rồi rẽ vào một con đường nhỏ để về nhà Vân. Con đường nằm dưới chân đồi, hai bên mọc đầy những đám cỏ tranh lúp xúp. Gió phe phẩy thổi, khiến cho những chiếc lá dài khẽ đung đưa, phất phơ như đang nhảy múa giữa những âm thanh xào xạc.

- Nhà cậu còn bao xa nữa? – Kiều Loan vừa hỏi vừa đổi cái túi sang vai kia cho đỡ mỏi.

- Chừng vài trăm mét nữa thôi. Sao! cậu thấy mệt rồi à?...

- Không! Mình chỉ hỏi vì tò mò thôi. Chứ mình thì đi bộ vài cây số nữa cũng được! – Kiều Loan đưa tay ngắt một một chiếc lá, vui vẻ pha trò.  

Trước mắt họ hiện ra một ngôi làng nằm nép mình dưới những ngọn đồi thoai thoải. Những ngôi nhà nằm cách rất xa nhau và thấp thoáng sau những tán cây xanh um, tất cả đều bừng lên dưới màu nắng ban trưa đang trãi đều khắp chốn. Dưới chân một ngọn đồi mọc đầy những lùm cây lúp xúp, một đàn Trâu đang thong dong vẫy đuôi, gặm cỏ. Mấy chú bé mục đồng đầu đội nón lá, chạy đi chạy lại chơi đùa trên bãi cỏ, nom xa như những chiếc nấm di động nhỏ xíu.

Hải Dương dừng lại vài giây, xúc động vì vẻ đẹp yên bình của miền quê sơn cước đang hiển thị trước mắt chàng.

- Quê Vân thật đẹp! Cứ như là một bức tranh thủy mặc ấy! – Hải Dương thốt lên trầm trồ.

- Quê em như thế đấy. Khung cảnh thân yêu này đã gắn bó với em ngay từ khi lọt lòng mẹ cho đến lúc trưởng thành! – Vân bồi hồi,  trong ánh mắt bừng lên một ngọn lửa hồi ức khôn nguôi.

- Một nơi hoang sơ và yên tĩnh quá chừng! – Kiều Loan nói và liếc nhìn Hải Dương, mỉm cười mơ mộng. Không hiểu vì sao, tự dưng cô đi sát vào anh, và hai khuỷu tay họ vô tình chạm nhẹ vào nhau. Bất giác cô rụt tay lại và cảm thấy lòng mình xao xuyến.

Họ bước lên một con giốc cao dựng đứng. Vân nghển cổ, chỉ tay về phía trước:

- Nhà mình kia rồi!...

Từ trên đỉnh dốc, họ nhìn thấy một dãy nhà ngói với những bức tường trắng ẩn hiện sau vườn cây ăn trái. Những tán cây mềm mại rủ xuống cạnh những ô cửa sổ màu xanh, bờm xờm như lá liễu. Đó là một trang trại nhỏ nằm ẩn mình giữa khung cảnh thiên nhiên rộng lớn, có cảm giác tất cả là một màu xanh vô tận, không còn nhận ra được ở đâu là ranh giới nữa.

Đi hết một bức tường đá lấm tấm rêu xanh thì ngôi nhà hiện ra. Ba người bước vào một con ngõ dài và sâu, hai bên mọc đầy những bụi cây dứa dại. Ngôi nhà ba gian, lợp ngói ta và dường như đã được xây dựng từ rất lâu. Dãy nhà ngang nằm vuông góc với nhà chính, tạo thành một khoảng sân gạch khá rộng. Khu vườn um tùm, những tán cây sum suê, trĩu quả. Lùi vào phía trong, cách dãy nhà ngang chừng vài chục mét, có một dãy chuồng bò và chuông gà được bố trí ngăn nắp cạnh nhau. Một ngôi nhà giống như của bao gia đình miền núi đặc trưng khác, vườn rộng, nhiều cây cối và gia súc, gia cầm. Trước sân có một cây lựu ta cao quá đầu người, từ đám cành lá mảnh khảnh phía trên vươn ra không biết cơ man nào là quả. Vân bồi hồi bước vào trong sân, sự tập trung tinh thần khiến cô có thể nghe rõ cả những tiếng guốc của mình gõ lộp cộp xuống nền gạch đất nung. Ngó một vòng vẫn không thấy ai, Vân bèn lớn tiếng gọi:

- U ơi! Con đã về rồi đây!...

Không gian yên ắng, chỉ nghe tiếng lợn ụt ịt và tiếng cọ sừng lách cách của lũ trâu từ ngoài chuồng vọng vào. Chợt có tiếng vỗ cánh phần phật, một con gà mái hoa đang kiếm ăn trong bụi cây gần đó bị giật mình, nó nhảy vọt lên, rồi ngay khi vừa tiếp đất, nó vừa bước đi hốt hoảng vừa gục gặc cái cổ mà kêu lên quang quác như đau đẻ. Từ phía sân gia súc, một người đàn bà mặc bộ đồ lao động đang đi về phía họ. Với những bước đi thong thả, vừa đi bà vừa hua hua hai cánh tay và cố nhướng cao cặp mắt để nhìn vào trong sân. “Mẹ mình đấy! Mẹ mình tên Lan!” – Vân nói khẽ.

Bước vào trong sân, Bà Lan “ồ” lên một tiếng đầy ngạc nhiên, một nụ cười xuất hiện trên đôi môi cắn chỉ, làm cho khuôn mặt đôn hậu của người đàn bà tuổi sáu mươi ấy dãn ra, như rạng rỡ hẳn lên.

- Con về đó ư? Còn có cả khách đến chơi nữa đây này!....- Bà mẹ mừng rỡ nói, nét mặt vẫn còn chưa hết ngỡ ngàng.

Vân ngoảnh sang hai người bạn của mình lúc này vẫn đang đứng bẽn lẽn cạnh nhau với nguyên cả hành lý trên tay:

- Đây là bạn con!...Về nhà mình để đi chơi hội!…

- Chào cô ạ! - Kiều Loan và Hải Dương đồng thanh lên tiếng.

- Các cháu về chơi? Quý hóa quá!...Nào, mời hai cháu vào trong nhà! – Bà Lan đáp lời. Nói rồi bà tất tả đi trước, vừa đi vừa đưa tay tháo chiếc khăn bịt đầu ra. Rõ là tác phong của một người phụ nữ vẫn quen với sự bận rộn.  

Bà Lan ngồi trò chuyện với khách được một lúc thì chồng bà - ông Hùng - cũng vừa ở trên đồi cây về. Đó là một người đàn ông cao lớn, vạm vỡ và có khuôn mặt cương nghị. Thấy nhà có khách, ông vui vẻ nói luôn mồm và tỏ ra rất hào hứng. Sau khi nghe vợ giới thiệu, ông hướng cặp mắt màu xanh lơ của mình về phía Hải Dương và chìa bàn tay to bè ra:

- Mừng anh chị đến chơi nhà chúng tôi!

- Chào chú! Chú đi làm về? – Hải Dương đứng dậy, hồ hởi đưa cả hai tay ra bắt.

Kiều Loan cũng lịch sự đứng dậy, nàng hơi nghiêng mái đầu và bắt tay chủ nhà với một nụ cười duyên dáng nở trên môi.

Sau màn thủ tục chào hỏi, ông Hùng ngồi xuống và bắt đầu chuyện trò với khách. Giống như nhiều người đàn ông hiểu chuyện khác, ông giới thiệu cho hai vị khách của mình về những phong tục của làng quê nơi đây. Về lịch sử dựng làng, về những đặc sản trong vùng và còn nhiều nhiều thứ khác nữa. Ông nói với một thái độ xuề xòa, ngữ điệu rất dễ nghe và pha lẫn đôi chút hài hước. Trong suốt buổi nói chuyện, Kiều Loan chỉ giữ im lặng, nàng lắng nghe mọi người với một thái độ vừa chăm chú vừa có phần giữ kẽ, thẹn thùng.

Sau bữa cơm trưa, mọi người cùng đi nghỉ một lúc.

 Đầu giờ chiều, ông Hùng bước ra sân, vừa xắn tay áo ông vừa vui vẻ nói với Hải Dương, nhưng xem ra có vẻ như ông muốn tuyên bố cho tất cả mọi người cùng nghe thì đúng hơn:  

- Nào! Chiều nay chúng tôi sẽ đãi hai vị khách quý những món đặc sản của vùng này nhé. Toàn những thứ mà ở thành phố các anh dù có đốt đuốc đi tìm cũng chẳng thấy đâu!

Vân nhảy cẫng lên, vỗ tay đen đét như hồi còn nhỏ:

- Phải đó bố! Bố lên đồi chặt măng nhé. Còn con với mẹ sẽ đi làm thịt gà.

- Nhất định rồi. Gì chứ cái món măng hầm thịt gà thì không thể thiếu được. Đó vốn là món quốc hồn quốc túy của nhà ta xưa nay mà! – Ông già đáp lời con gái. Rồi chẳng cần phải ai nhắc, ông tự thưởng cho câu nói hoa mĩ của mình bằng một tràng cười đầy sảng khoái.

Nói là làm, ông hăm hở đi vào nhà bếp rồi mang ra một cây rựa và cái rổ tre thưa.

- Cháu sẽ đi cùng chú! – Hải Dương cũng hăng hái nói. Bị thái độ nhiệt tình của chủ nhà lôi cuốn, cái máu phiêu lưu trong con người anh chợt nổi lên.

- Được thôi! Chẳng mấy khi anh về chơi. Nhân tiện mời anh đi tham quan khu đồi nhà tôi luôn một thể – Ông già nói, sau khi ái ngại nhìn bộ quần áo sạch sẽ và kiểu cách mà anh đang mặc trên người.

Hải Dương cầm hộ ông Hùng rổ và cây rựa, còn tự ông thì cầm lấy cây thuổng dựng ở đầu hè rồi cả hai người cùng đi ra khu vườn phía trước nhà. Chẳng mấy chốc, bóng họ đã khuất sau những lùm cây nhãn, cây na, bưởi um tùm. Ông Hùng xăm xăm đi trước mà không cần nhìn đường, trong khu vực vườn nhà mình, ông thuộc đến từng nhành cây, ngọn cỏ. Trong khi bước đi, hai ống của chiếc quần lao động cọ vào nhau nghe loạt soạt một cách hối hả. Cuối khu vườn thì đến chân đồi. Leo lên lưng chừng đồi. Trên đồi cây cối um tùm. Sau một lúc vạt lá, cắm cúi đi, ông dẫn anh đến một chỗ có nhiều bụi măng tua tủa. những cây măng tây bậm bạp, chỉa thẳng những cái ngọn nhọn hoắt lên trời, bên ngoài là những lớp vỏ như cái áo giáp. Bàn tay ngăm ngăm, gân guốc sần sùi của một người quen lao động, vạch đám lá sang một bên, những cây măng lộ ra. Ông cầm cây thuổng lên, đứng dạng chân, nghiến răng, những cục tròn tròn chỗ xương quai hàm chạy lên chạy xuống, rồi thọc mạnh những nhát thuổng vào gốc măng. Lưỡi thuổng cắm phập vào thân măng, ông nậy cán thuổng, cây măng kêu răng rắc. Một lúc, ông đã đào được chừng chục cây măng để ngổn ngang dướng chân. Ông ngồi xuống, cầm cây rựa và nói:

- Anh làm như thế này! – Nói xong, ông cầm một khúc măng lên, dùng rựa và bắt đầu lột những lớp vỏ xù xì bên ngoài, cho đến khi còn lại thân măng trắng muốt, rồi bỏ vào cái rổ mang theo.

Hải Dương bắt chước, nhiệt tình làm theo. Ông Hùng đi đến một bụi khác, đào thêm được mấy khúc măng như thế nữa.

 Chặt măng xong, ông Hùng lại mang cái vó ra ao trước nhà, vớt được mấy con cá gáy to như bàn tay. Vớt xong cá, ông vỗ vai Hải Dương, nói:

- Công việc của chúng ta vậy là đã xong. Bây giờ nhường phần việc còn lại cho cánh phụ nữ họ chế biến. Nào! Chúng ta đi vào nhà uống nước thôi!

Trong gian bếp hơi chật chội nhưng ngăn nắp, Kiều Loan và Vân đang phụ bà Lan nấu ăn. Họ nấu món măng hầm thịt gà, món quan trọng nhất như ông Hùng dã nói. Món măng canh cá thêm các loại rau rừng thơm ngon và hấp dẫn. Dường như ở đây, người ta có thể nấu măng với bất cứ món gì. Bà Lan nấu ăn khéo, với vai trò là đầu bếp chính, bà luôn đứng cạnh bếp với cây đũa nấu trong tay, mồ hôi túa ra nhỏ giọt trên khuôn mặt…, đôn hậu. Bà mở vung để kiểm tra món canh, khói bốc nghi ngút, mùi gia vị tỏa ra thơm lừng.

- Cái cậu gì gì đi cùng cô ấy nhỉ?…Hải Dương à?...cậu ấy đến là bảnh trai và lịch sự. Hai người là người yêu của nhau ấy à? Tôi thấy đẹp đôi lắm đấy!...Mau mau tiến tới đi để vợ chồng chúng tôi còn được xuống thành phố đi dự đám cưới một chuyến cô nhé!...- Bà Lan đưa tay lên trán quệt mồ hôi, nhìn Kiều Loan và hỏi.

Vân ném nhẹ cọng rau vừa nhặt vào cái rổ nhựa, mỉm cười vẻ đồng tình. Kiều Loan thẹn quá nên không biết trả lời ra sao. Nàng cúi xuống, cắm cúi thái cây măng thành những lát mỏng, chỉ nghe thấy âm thanh của cây dao khẽ chạm nhẹ xuống mặt thớt gỗ nghiến lách cách.

Trời vừa xẩm tối thì bữa cơm chiều cũng được dọn lên nhà trên. Vân và Kiều Loan xăng xái đi lại, hết bê các đĩa thức ăn lại cầm thêm bát đũa. Ở nhà trên, ông Hùng bật điện sáng trưng, không khí có vẻ tiệc tùng thực sự. Ông hài lòng ngắm nhìn mâm cơm trên bàn, rồi đi đến chỗ cái tủ nơi góc nhà, lấy ra một chai rượu thơm phưng phức.  

- Rượu ngon sủi tăm đấy! Cũng chỉ ở vùng này mới có thôi! – Ông giơ chai rượu lên mũi hít hà, hãnh diện khoe với Hải Dương.

Lúc rượu đã ngà ngà, ông Hùng khề khà quay sang nói với Hải Dương:

- Quê chúng tôi là thế đấy. Anh chị về chơi thì đã có gà trong chuồng, cá trong ao, sau củ thì cũng sẵn trong vườn nhà. Cứ gọi là mùa nào thức nấy!

- Này, ông ăn đi! Từ nãy tới giờ tôi chỉ thấy ông uống rượu và nói chuyện, chẳng chịu ăn gì – Bà Lan tiếp vào bát chồng mình một miếng thịt gà, âu yếm nói.

- Hôm nay mưa bão, động đất gì mà tự dưng bà lão lại quan tâm tới tôi như thế này! – Ông Hùng nheo mắt nhìn vợ, trêu. Nói xong ông gắp luôn miếng thịt vợ vừa bỏ vào bát của mình đưa lên miệng nhai trệu trạo với một vẻ tự nhiên như không.

Bà Lan lườm yêu chồng, mặt đỏ bừng. Vân vẫn tự hào về cái khiếu hài hước của bố mình. Cô nhìn sang cô bạn mình, ý như muốn hỏi: “Thế nào. Cậu thấy bố mình có tuyệt không?”. Kiều Loan tủm tỉm cười, một cử chỉ cho thấy là mình cũng đồng tình với suy nghĩ của Vân.

Trong lúc ăn, Kiều Loan luôn để mắt đến Hải Dương. Nhưng nàng không muốn mọi người biết là mình đang quan tâm tới chàng, nên thi thoảng nàng mới liếc mắt nhìn chàng một cách kín đáo. Nàng thấy anh thật chững chạc, nói năng, ứng xử cứ như một người đàn ông trưởng thành thực sự ấy. Và điều đó khiến nàng cảm thấy vui vui. Vân luôn miệng giới thiệu với khách các món ăn và giục họ nếm thử. Cô đang sốt sắng muốn thể hiện tốt vai trò của một chủ nhà hiếu khách.

Hơi men khiến cho Hải Dương trở nên mạnh bạo, anh quay sang phía ông Hùng, giơ chén rượu lên ngang mày và nói với một giọng cảm kích:

- Xin chúc sức khỏe chú! Cảm ơn cô chú đã đón tiếp nồng hậu, đã cho chúng cháu cái không khí ấm cúng như trong một gia đình!...

Ông Hùng đưa tay vuốt bộ ria màu hạt dẻ, chăm chú lắng nghe, mắt chớp chớp ra chiều cảm động lắm. Rồi khi vị khách  trẻ tuổi vừa dứt lời, ông liền giơ chén rượu của mình lên và đáp lại bằng một giọng điệu khá kiểu cách:

- Nào! Chúc cho anh có được một tương lai sáng lạn! Một cuộc đời hạnh phúc như ý!..

Ăn cơm tối xong, mấy người đàn bà xuống bếp dọn dẹp. Ông Hùng và Hải Dương ngồi uống nước ở cái bàn gỗ được đóng theo kiểu trường kỷ. Ông Hùng ngồi tựa lưng vào ghế, gật gà, mắt ông đã hơi ríu lại vì hơi men.

Từ hôm qua tới giờ Hải Dương vẫn tò mò muốn biết về lễ hội, lúc này, anh bèn đem chuyện đó ra gạn hỏi chủ nhà.  

- Anh hỏi về lễ hội ư? – Ông già nhíu này, nghĩ ngợi một lúc rồi nói - Được rồi…tôi sẽ kể! Đó là một lễ hội lâu đời và khá nổi tiếng ở vùng này, nó gắn liền với truyền thuyết…

Và ông bắt đầu kể với một giọng đều đều, điếu thuốc cháy đỏ trên môi. Hải Dương chăm chú lắng nghe, chốc chốc lại cẩn thận châm thêm nước vào ấm với thái độ thành kính của một người hầu chuyện tâm lý và ham hiểu biết.

Trời về khuya, mấy người phụ nữ đã lên giường đi nghỉ trước. Chỉ còn lại hai người đàn ông với câu chuyện vẫn còn dang dở. Ngoài kia, tiếng gió xào xạc, tiếng côn trùng rỉ rả vang lên trong cái không gian vắng vẻ và mông lung của miền sơn cước.  

o0o

Những ngôi sao thưa thớt vẫn còn chưa kịp lặn, nhấp nháy trên nền trời xam xám, xanh lơ. Phía dưới chân đồi, dòng sông trắng mờ, mơ màng ôm ấp lấy xóm làng như đang vỗ về trong giấc ngủ. Từ phía bờ sông rậm rì lau lách, gió thổi nhẹ, mang theo hơi nước lành lạnh và ẩm ướt của buổi sớm mai. Mặt trời bắt đầu uể oải ló mình lên khỏi rặng cây, hừng đông bừng lên những sắc vàng và đỏ tía nom sặc sỡ như một bức tranh tô màu.

Lúc trời đã sáng rõ, ông Hùng dắt chiếc xe máy Dream màu mận chín của mình ra trước sân, rồi vặn ga, nổ thử.

- Xe vẫn chạy tốt đấy. Anh cứ yên tâm mà đi. Nhưng nhớ ghé qua trạm để đổ xăng. Từ đây đến đó cũng chỉ độ mấy cây số thôi - Ông nghiêng tai để nghe tiếng máy nổ đều đều, rồi nhìn vào đồng hồ xăng và nói với Hải Dương.

Ba người bạn ăn sáng xong thì chuẩn bị để đi chơi hội.

Hải Dương dùng chiếc xe máy của ông Hùng để chở Kiều Loan, còn Vân thì chạy một chiếc xe khác, cả ba khởi hành khi sương sớm bắt đầu tan trên những cành cây Cam trước ngõ. Vân đi trước để dẫn đường, còn Hải Dương cho xe chạy ngay phía sau. Đường đồi dốc, nhiều ổ gà mấp mô cho nên họ chạy chậm, vừa lái xe vừa tập trung quan sát phía trước. Kiều Loan ngượng nghịu ngồi sau xe, nàng ngắm nhìn khung cảnh bên đường lướt qua với một tâm trạng xốn xang, phấn chấn. Nàng không chỉ háo hức khám phá lễ hội, mà còn hồi hộp cảm nhận từng giây từng phút tình yêu của mình, mà đối với nàng, đó là mối tình đầu đầy trong sáng và thiêng liêng.

Đi chừng mấy cây số đường rừng thì tới được một bến thuyền. Khung cảnh ở đây hoang sơ như thủa còn hồng hoang tiền sử - ít ra thì Hải Dương cũng có cảm giác như vậy. Cạnh bên lối mòn để đi xuống bến có một cái lán lợp bằng mái tranh bờm xờm để cho khách ngồi chờ. Lúc họ đến thì thấy đã có độ gần chục người đang ngồi trong đó, mấy người khách vừa chờ thuyền vừa tán chuyện với nhau để giết thời gian. Dòng sông rộng, từ bên này nhìn sang phía bờ bên kia chỉ thấy thấp thoáng những ngôi làng và dãi cây cối xanh mờ.

- Mời mọi người lên thuyền nào!...- Người chủ thuyền đứng bên mạn, giơ tay lên gọi. Tiếng anh ta bị gió thổi bạt đi nghe như kéo dài, ngân nga.

Hai chiếc ván dài được người ta bắc làm cầu, xe máy và người cũng theo đó để lên thuyền. Khi khách đã lên hết, tấm ván được rút lên, thuyền bắt đầu từ từ rời bến. Tiếng máy nổ rền mặt sông. Ra đến giữa dòng, có cảm giác dòng sông như rộng ra so với khi đứng trên bờ, sóng nước mênh mang. Nước ràn rạt táp lên hai bên mạn thuyền, hơi nước buổi sáng từ dưới mặt sông bốc lên mát lạnh, mơn man lên thịt da.

Khi họ đến thì buổi lễ bắt đầu diễn ra, không khí đã rất rộn ràng, nhộn nhịp. Sau khi gửi xe vào một cái bãi đất ở rìa làng, ba người cùng hòa vào dòng người đông nghịt đi xem hội để di chuyển vào phía trong. Chen lấn một lúc đã mệt, họ quyết định leo lên một chỗ cao ráo và đứng ngay dưới gốc cây dâu da cổ thụ để có thể quan sát toàn cảnh khu đền. Từ phía bên kia con đường chính, một đám rước long trọng bắt đầu tiến vào ngôi đền trong tiếng trống chiêng trầm hùng. Đi đầu là một đoàn gồm sáu người mặc áo đỏ ghé vai khiêng chiếc kiệu sơn son thiếp vàng. Trên kiệu là một nữ thiếu niên đang ngồi nghiêm trang, mình mặc áo gấm thêu rồng phượng, đầu đội mũ trụ. Khuôn mặt cô gái được trang điểm kĩ càng, kiểu như nhân vật nữ tướng trong các vở tuồng cổ. Theo sau là những người đánh chiêng và thanh la, phục trang sặc sỡ có thắt đai lưng xanh. Sau cùng là một hàng dài đám đông quần chúng khác. Đám rước xúm xít, nhích dần từng chút một về phía đại điện, lâu lâu lại đồng thanh hô lên những câu gì đó vang vang không nghe rõ.

- Đó là nữ tướng được dân làng thờ trong ngôi đền này đấy! Bà đã anh dũng chiến đấu với quân giặc và hy sinh khi còn trẻ, vì vậy mà chỉ có những thiếu nữ đồng trinh mới được chọn để đóng vai bà! – Vân chỉ tay về phía chiếc kiệu đang bồng bềnh trôi theo dòng người nhấp nhô như sóng, giải thích.

 Khi đám rước đã đi khuất vào trong đền rồi, ở chỗ bãi đất trống gần đó lại diễn ra một màn đánh trận giả rầm rộ, kịch liệt. Hai toán quân ăn mặc một xanh, một đỏ, kiểu lính trận thời xưa, phất cờ xông vào đánh nhau. Tiếng la hét, tiếng trống trận náo động cả một vùng. Một lúc sau thì quân xanh thua chạy trong tiếng hò reo và vỗ tay không ngớt của những người đứng xem. Ở giữa sân đền, một đoàn các cụ bô lão râu tóc bạc phơ trong trang phục áo nhiễu dài, đầu đội khăn xếp đang đứng xếp hàng nghiêm trang để chuẩn bị tiến vào làm lễ.

Đám người đứng xem lúc này nhao nhao nói:

- Vào trong đền xem đi!

- Ở trong kia đẹp lắm!

- Bây giờ mới là chính hội đấy! Ta vào trong đó đi!...

Ba người lại đi theo đám người hiếu kỳ để tiến vào phía trong khu đền. Không khí lễ hội mỗi lúc một nóng lên. Dòng người vẫn cuồn cuộn như một vòng xoáy không có điểm dừng. Kiều Loan thở hổn hển không ra hơi, hai gò má đỏ dừ lên vì chen lấn. Sợ bị lạc, nàng phải túm lấy cánh tay Hải Dương và bước ngay phía sau anh không rời một bước. Một lúc sau, họ bị sức mạnh khủng khiếp của đám người cuồng nhiệt đẩy bật ra một bên vệ đường.

- Vân đâu rồi anh? – Kiều Loan đưa tay vuốt lại mái tóc bị xổ ra, ngơ ngác hỏi.

- Ừ nhỉ! Vân đâu rồi nhỉ?...- Thay vì trả lời, Hải Dương hốt hoảng hỏi lại. Anh nhón người lên, đưa mắt nhìn lướt qua những cái đầu lô xô chuyển động quanh đây để tìm kiếm. Nhưng chỉ nhìn thấy những khuôn mặt xa lạ, trẻ có, già có, mà không thấy Vân đâu cả.

- Làm sao bây giờ? – Kiều Loan giậm chân kêu khổ.

Hải Dương buông thõng hai cánh tay, mặt ngây ra vì thất vọng:

- Mới đây còn thấy Vân đi cạnh chúng ta kia mà? Đông người quá, có lẽ Vân đã bị lạc rồi!...

Đứng chờ một lúc nhưng vẫn không thấy Vân quay lại tìm, vì vậy mà họ đoán chắc là Vân đã bị lạc. Kiều Loan quyết định là sẽ không đi tiếp vào bên trong khu đền nữa mà dừng lại nghỉ ở đây. Nàng chỉ tay ra phía triền sông gần đó, nói với một vẻ háo hức:

- Ở đây đông người bức bối quá! Hay là chúng mình ra kia một lúc cho thoáng đi anh!

Ánh nắng ban mai phủ lên khắp triền sông một màu vàng nhạt tựa như mật ong, khiến cho không gian bổng chốc trở nên lung linh,  huyền ảo lạ thường. Cái chất đất màu mỡ ven sông vốn là nơi ưa thích của giống cây mọc hoang, vì thế mà nơi đây đã trở thành một vương quốc của các loài hoa dại với đủ sắc màu quyến rũ. Những bông hoa xuyến chi trắng tinh khiết, thẹn thùng và e ấp trong bộ cánh nhỏ mong manh. Đám hoa ngũ sắc ở gần đó cũng hãnh diện phô ra trên cành những bông hoa sặc sỡ giống như những chiếc cúc nhỏ xinh xinh. Ở phía dưới lòng sông, một đàn chim bói cá với bộ lông xanh biếc đang miệt mài chao liệng. Chúng lao mình xuống mặt nước, rồi lại bất chợt vỗ cánh bay vút lên cao khiến cho những giọt nước bắn ra tung tóe như một trận mưa sao băng.

Hai người lặng lẽ dìu nhau men theo triền sông. Cỏ rạp xuống dưới chân, và sau mỗi bước đi, những dấu chân của họ lại in hằn lên lớp đất tơi xốp và mềm mịn như nhung. Kiều Loan tư lự đi bên anh, bình yên và tin cậy. Má nàng ửng lên và ánh mắt sáng long lanh, cứ như thể là đang có một cái gì đó xao xuyến, rạo rực trong lòng. Phía trước có một đống cỏ người ta mới xẩy từ hôm qua để lấy đất trồng rau. Kiều Loan vén cao váy và nhẹ nhàng bước qua, mùi cỏ khô ngai ngái và hăng hắc xộc thẳng vào sống mũi nàng.

- Đằng kia hoa nở thật đẹp anh kìa! - Kiều Loan chỉ tay về phía bãi bồi trước mặt và nói như reo. Ở phía đó, những bông hoa mua tím biếc nở loang lổ cả một vùng, trãi dài đến ngút tầm mắt.

Dứt lời, cô vùng chạy về phía đó, vô tư như một đứa trẻ. Hải Dương khẽ lắc đầu và bất giác mỉm cười vì thái độ hồn nhiên đó của nàng. Rồi sau thoáng lưỡng lự, anh cũng bắt đầu chạy để đuổi theo nàng. Hai người cứ như đang chơi trò đuổi bắt ú tim giữa khung cảnh xinh đẹp và thần tiên vậy. Một bãi hoa đang trãi ra trước mắt mắt họ. Kiều Loan dừng lại, nàng mở to mắt thích thú, khuôn ngực phập phồng theo nhịp thở. Vừa khi ấy anh cũng chạy đến nơi. Hai người đứng cạnh nhau, lặng im và hồi hộp, cùng hướng ánh mắt ra phía xa xa.

- Những bông hoa thật đẹp phải không anh? – Nàng nói, giọng xúc động.

- Nhưng em mới là bông hoa đẹp nhất! – Anh đáp. Và trong một phút giây không kìm được lòng mình, anh đưa tay vuốt nhẹ mái tóc nàng.

Nhanh như một tia chớp xẹt ngang trời, cô ngước lên nhìn anh, bốn ánh mắt gặp nhau, đắm đuối trong cơn say tình. Mắt cô dần nhắm lại, cặp môi xinh hé mở, khẽ run run, động đậy. Hai làn môi mỗi lúc một tìm gần đến nhau, và họ cuồng nhiệt trao nhau nụ hôn, thật lâu, thật nồng nàn, cháy bỏng.

- Anh yêu em! – Anh thì thầm.

- Hải Dương!...Em cũng yêu anh!... – Nàng rên rỉ khe khẽ.

Kiều Loan bủn rủn đầu gối, trong cơn thổn thức, chân nàng chỉ muốn khuỵu xuống, không còn đứng vững nữa. Chàng ôm chặt trong vòng tay mình cái thân hình mềm mại, nóng ran, bàn tay lần mò vuốt ve. Nàng như run lên, tim đập thình thịch, cuồng nhiệt trong hơi thở gấp gáp…

Họ ngồi trên bãi cỏ mềm mại bên bờ sông cùng ngắm nhìn hoa nở. Anh vòng tay ôm eo người yêu, còn nàng thì tựa đầu vào vai anh, thủ thỉ. Ở nơi này không gian như lắng lại, mặc cho ngoài kia dòng đời vẫn đang trôi đi một cách vội vàng, gấp gáp.

Nhưng bản năng của một người con gái đã kéo nàng trở về với thực tại. Nàng như sực tỉnh, cố gỡ cánh tay đang ôm lấy mình, cố thoát khỏi cảm giác lạc trôi.

- Hải Dương!...Ôi anh! Thôi, hãy buông em ra!...Mình quay lại đi anh, kẻo Vân lại đang đi tìm. không biết cô ấy lại nghĩ gì về chúng mình nữa?...Biết làm sao bây giờ?... – Nàng hốt hoảng nói và bắt đầu cảm thấy hối hận.

Phía trên kia, dòng người đi chơi hội vẫn cuồn cuộn chảy không ngừng, với những tiếng hô, tiếng hò reo, với sắc màu của cờ xí, trang phục cổ trang lấp lóa.

Lòng những ngập tràn hạnh phúc, chàng và nàng nắm tay nhau cùng quay về chỗ cũ.

Từ đằng xa đã thấy một người đang đứng bên mép đường, giơ bàn tay lên vẫy vẫy.

- Vân kìa anh! – Kiều Loan lắc tay anh, mừng rỡ nói.

Hải Dương đưa tay lên che mày, nheo mắt nhìn kĩ thì nhận ra đó đúng là Vân. Chẳng hiểu vì lo lắng hay do nóng bức, cô nàng đã cởi chiếc áo khoác ra và cầm ở tay.

Giống như một phản xạ có điều kiện, họ thẹn thùng buông tay nhau ra, rồi chẳng ai bảo ai, cả hai cùng gióng dả bước nhanh về phía trước.

- Hai người đây rồi! Làm tôi cứ đi tìm mãi. Mỗi nước muốn lục tung cái vùng này lên ấy. Nhưng khổ nổi người thì đông quá. Cuối cùng quyết định đứng đợi ở đây, ngay chỗ lạc lúc đầu. Ai dè, đúng thật! Hay là hai người cố tình trốn tôi đấy?  – Vân bấn lên, chạy đến trước mặt hai người, liến thoắng. Nét mặt vẫn còn chưa hết vẻ hốt hoảng.

- Không! Không phải đâu!...Hai người chúng tôi bị lạc mất một lúc! – Kiều Loan lí nhí thanh minh. Ánh mắt nàng lẩn tránh một cách tội nghiệp, nom như một đứa trẻ bị bắt lỗi.

Buổi trưa, họ nghỉ ngơi tại nhà một người bà con của Vân ở trong làng. Chiều ra đền xem hội một lúc nữa rồi quay lại nhà Vân, sáng hôm sau trở về Hà Nội sớm.