Thứ Tư, 15 tháng 2, 2023

DUYÊN NỢ TRẦN AI (Chương VI)

      


Hải Dương giật mình tỉnh giấc. Kể từ giây phút ấy, anh cứ trằn trọc mãi mà chẳng thể chợp mắt thêm được nữa. Anh nằm ngửa, đầu gối lên hai cánh tay và nhìn đăm đăm vào khoảng không tối đen trên trần nhà, đầu óc nghĩ ngợi mông lung. Có tiếng còi tàu rúc lên ở một nơi nào đó trong thành phố, trầm trầm và da diết buồn. Hải Dương giơ tay nhìn đồng hồ, ánh dạ quang sáng xanh khiến anh lóa mắt: 0 giờ 20 phút. “Giờ này vào ga thì có lẽ là tàu chợ!” – Hải Dương lờ mờ nghĩ và trong lòng cảm thấy nhức nhối một nổi buồn nhớ. Hồi còn ở quê, anh cũng đã từng được nghe tiếng còi tàu trong những đêm khuya thanh vắng như thế này. Cái âm thanh ấy kéo dài, xuyên qua những cánh đồng, thôn xóm và vang xa đến hàng cây số vẫn còn nghe thấy. Bị thôi thúc bởi những hồi ức về quê nhà, Hải Dương ngồi bật dậy, dụi mắt trong bóng tối một lúc rồi với tay bật công tắc đèn. Tiếng tắc te kêu rè rè, ánh đèn neon lóe lên, sáng bừng cả căn phòng.

Bị ánh điện làm cho chói mắt, Long lầu bầu điều gì đó trong miệng chẳng rõ, nhưng anh chàng không mở mắt mà lại tiếp tục quay mặt vào tường ngủ tiếp. Hai chân chàng ta co lại, khoanh tròn và còng queo nom y hệt như một con tôm.

Hải Dương lê dép lệt sệt trên nền nhà và đi đến ngồi vào bàn. Mắt nhắm mắt mở, anh rót nước pha trà rồi bắt đầu châm thuốc hút. Trong lúc chờ cho trà đượm, anh ngồi im lặng, thẩn thờ nhìn vào cái tủ đựng quần áo hai cánh bằng gỗ xoan trước mặt. Chiếc tủ cao lừng lững, được kê vào khoảng giữa hai gian nhà và có tác dụng như một vách ngăn. Mấy bữa trước anh và Long đã phải bỏ hẳn ra một buổi để hì hụi lau dọn nhà cửa sạch sẽ, vậy mà giờ đây từ chỗ nóc tủ lên đến trần nhà, đã có vài cái mạng nhện được chăng ở đó. Mùi xăng từ chỗ hai chiếc xe máy dựng gần đó bốc ra nồng nặc. “Ngày mai phải nhắc Long mang xe đi sửa mới được. Chế hòa khí bị hở rồi” – Anh tự nhủ. Trên tường - ngay gần cửa ra vào – vẫn là tờ lịch thi đấu world cup có in hình các đội bóng quen thuộc, hồi trước Long mua về và treo lên ở đó. Trên bàn học, mấy cuốn giáo trình để bừa bộn, cuốn từ điển hãy còn mở dở, cạnh đó là tờ giấy nháp với những dòng chữ nguệch ngoạc không hàng lối, cây bút bi để dằn lên trên. Lúc tối Long học xong còn chưa thu dọn.

Khói thuốc đã khiến cho đầu óc Hải Dương trở nên tỉnh táo hơn. Anh ngồi tựa lưng vào thành ghế, tóc tai bù xù như tổ quạ, rồi cứ thế để mặc cho dòng cảm xúc dẫn dắt những suy nghĩ mông lung của mình. Trong tâm tưởng anh lúc này, hình ảnh cái ga xép ở quê nhà lại chợt hiện về như một thước phim quay chậm. Đó là một nhà ga vắng vẻ giữa đồng không mông quạnh. Trước sân ga có những cây Duối cổ thụ sần sùi, cành lá phủ bóng xuống dãy nhà chờ lợp bằng mái tôn. Trong những đêm đông lạnh giá, dưới thứ ánh sáng yếu ớt tỏa ra từ cái bóng đèn điện sợi đốt đo đỏ như hòn than, lố nhố những bóng người đứng chờ tàu trong màn mưa lâm thâm. Cả khu vực ấy chỉ có một dãy nhà cấp bốn cũ kỹ vừa được dùng làm nơi ở vừa làm phòng trực và bán vé cho nhân viên nhà ga. Tường của ngôi nhà được quét ve màu vàng, phía đầu hồi bong tróc lộ cả nhưng mảng tường đá và vữa nâu nâu bên trong. Những hình vẽ bằng than ngồ ngộ, đủ kiểu do lũ trẻ chăn trâu nghịch ngợm vẽ bậy lên đấy. Phía trước cỏ mọc um tùm, bò lan lên cả bậc thềm xi măng nứt nẻ. Cảnh trí ở đây buồn bã, nó mang cái dáng vẻ cô quạnh của những nơi vắng vẻ hoang vu. Tàu nhanh dừng ở ga lớn, chỉ có những chuyến tàu chợ thì mới dừng lại ở những ga xép như thế này.  

Năm mười ba tuổi, lần đầu tiên Hải Dương được bố đưa ra Hà Nội chơi. Hôm ấy vào buổi sáng, một sáng mùa hè trong veo. Cũng dưới bóng nắng xiên xiên của dãy nhà chờ này, cậu bé Hải Dương lúc ấy háo hức đứng vịn tay vào…để chờ đoàn tàu đang hú còi vào ga. Hai con mắt mở to, cậu nhìn hàng cột điện chạy doc theo đường tàu, dây điện giăng mắc, chạy tít tắp và lẫn vào trong màu mây xam xám trên cao. Với một vẻ tò mò khó cưỡng, cậu theo chân bố và những người khác lên tàu trong tiếng loa thúc dục của nhân viên nhà ga. Con tàu chở nào là hành khách, hàng hóa cồng kềnh, và cả những người đi buôn chuyến lỉnh kỉnh. Rồi khi đoàn tàu bắt đầu rời ga, tiếng bánh xe cọ vào đường ray lạch xạch, cậu nhìn ra khung cửa, ngắm nhìn khung cảnh hai bên đường lướt qua đầy .. khơi gợi trong trí tưởng tượng của cậu về một chân trời mới đầy lạ lẫm.  

nổi nhớ quê hương như một vệt dầu loang mãi, tưởng chừng như không bao giờ dứt. Ký ức về nơi anh sinh ra, lớn lên cho đến khi đi học đại học. Ở đó chứa đựng những năm tháng tuổi thơ và tuổi học trò, bè bạn, về những tình cảm mới chớm nở thủa ban đầu. Ở đó cũng đã in hình bóng một người con gái, nhưng không phải là Kiều Loan bây giờ. Đã ba năm xa nhà, nhưng nổi nhớ ấy vẫn đằm sâu trong ký ức, hễ có dịp lại trỗi dậy, như những hạt giống trong lòng đất, mỗi khi gặp tiết trời ấm áp thì lại cựa mình và nảy mầm tươi xanh.

…..

Cứ thế, cho đến lúc thấy mệt và hai mắt díp lại, Hải Dương mới tắt đèn lên giường đi ngủ lại.

o0o

Sáng hôm sau, trong lúc ngồi học ở nhà một mình, Hải Dương bần thần suy nghĩ và chợt nhớ là đã từ lâu mình chưa biên thư về nhà. Lại bị nổi nhớ hồi đêm thôi thúc, anh quyết định lấy giấy bút ra để viết ít dòng gửi về thăm bố. Lặng im ngồi bên tờ giấy, gù lưng bóp trán suy nghĩ hồi lâu, sau cùng anh cũng bắt đầu cầm bút lên và hí hoáy viết. Sau những lời hỏi thăm sức khỏe và tình hình ở nhà như một thủ tục cần thiết, ở phần cuối thư, anh viết: ”…Cuộc sống của con ở ngoài này vẫn bình thường, bố mẹ không cần phải lo lắng gì cả. Chỉ có điều bây giờ việc học của con bận rộn hơn vì phải học nhiều các môn chuyên ngành. À! Có một việc mà những thư trước con quên thông báo, giờ đây con không còn ở trong ký túc xá như trước nữa. Con đã chuyển ra ở ngoài cùng với một người bạn cùng trường. Nói chung là ở ngoài thì chúng con có thể tập trung cho việc học tốt hơn, dù rằng khoảng cách đến trường có xa hơn một chút. Nhưng đã có xe máy, cho nên đó cũng không phải là vấn đề gì đáng quan ngại cho lắm…”

TB: Bố mẹ ạ, kỳ nghỉ hè sắp tới có lẽ con sẽ về nhà vài tuần!…”

Viết xong, Hải Dương gập tư tờ giấy, cẩn thận bỏ vào túi áo rồi chạy xe ra bưu điện.

Cô bưu điện mặc áo trắng, tóc búi cao, đang ngồi lặng lẽ phía sau tấm kính.

- Cô cho một phong bì, một tem! – Hải Dương bước tới và nói.

Cô gái xé một cái tem, để lên trên phong bì rồi đẩy về phía khách.

- Của anh đây!

Sau khi nhận tiền, cô ta thối lại chỗ thừa và đưa thêm cho khách một phong bì thư nữa.

Hải Dương dán tem rồi ghi địa chỉ nơi nhận lên phong bì thư. Xong việc, chàng cầm lá thư đi ra chỗ cái cổng xây lừng lững có màu đỏ như màu gạch nung. Ở đó có một hộp thư màu vàng nom giống như cái tổ chim bồ câu được người ta treo lơ lửng trên cao. Chàng nhón tay, bỏ thư vào thùng, rồi quay nhìn ra phố. Bị thu hút bởi ánh nắng chói lòa của buổi sớm mai, chàng đứng khoanh tay trước ngực, rồi cứ thế ngây ngất ngắm nhìn phố xá một cách thích thú. Ở ngoài kia, dòng người và xe cộ vẫn không ngừng đi lại. Nhịp sống của ngày mới cuồn cuộn trôi, như nhắc nhở và thôi thúc con người ta, khiến cho một người dù là vô tâm đến mấy cũng khó có thể dằn lòng thờ ơ cho được. Lòng đầy háo hức, chàng đứng thẳng người lên, hít vào lồng ngực một hơi thật sâu và cảm thấy cơ thể mình tràn đầy những sinh khí.   

Hà Nội đã vào hạ, khắp nẻo đường góc phố, không gian ngập tràn trong một màu nắng nhàn nhạt như màu sữa. Người ta đã bắt đầu cảm nhận được cái nóng ray rứt khiến cho làn da trở nên rám nâu hơn mỗi khi đi lâu ngoài trời nắng. Những ngôi nhà hiện rõ trong ánh nắng vàng, trở nên rực rỡ hơn, như bừng lên một sức sống mới. Sau những trận mưa đầu mùa bất chợt, hàng cây trên phố vươn cành hả hê, vỉa hè và mặt đường nhựa cũng ướt sũng, lấp loáng những nước. Đôi lúc đang đi trên đường, thi thoảng người ta lại tình cờ bắt gặp những chùm phượng đỏ nhú ra khỏi đám cành lá xanh mướt của một cái cây nào đó trên vỉa hè như một đốm lửa bùng lên. Cũng như cái chói chang của hoa phượng, mùa hạ mang đến cho con người những khát vọng tràn trề về tình yêu và cuộc sống. Bầu trời trở nên trong và cao hơn, ánh sáng chói chang khiến cho không gian như nở rộng ra, tầm mắt vì thế mà nhìn được xa hơn, như đưa ta vươn tới những chân trời ước vọng. Trong một phút giây mơ màng và tĩnh lặng về đêm, khi ngước mắt nhìn lên bầu trời trên cao, người ta có thể nhìn thấy cơ man nào là những ngôi sao nhấp nháy như ánh điện giăng mắc mỗi khi thành phố lên đèn. Đó chính là bầu trời đêm của mùa hạ, huyền bí và sâu thẳm, mông lung.

o0o

Người phụ nữ vén rèm bước vào, nhẹ nhàng đặt cái cốc và chai nước ngọt lên bàn.

- Mời thầy uống nước!

- Chị cứ để mặc tôi! – Hải Dương lịch sự đáp.

Người phụ nữ khoảng ba mươi lăm tuổi, da trắng, đẹp và quý phái trong bộ đồ pijama màu đỏ mận. Chị ta ngần ngừ giây lát, rồi hỏi thêm bằng một giọng nhỏ nhẹ:

- Thầy giáo cần gì nữa không ạ?

- Được rồi! Cảm ơn chị!

Cũng như lúc vào, nữ chủ nhà lại cúi đầu một cách ý tứ, rồi lặng lẽ lui vào phía sau tấm rèm bằng lụa sa tanh màu xanh lá óng ánh.

Trong phòng lúc này chỉ còn lại hai thầy trò. Hải Dương mở chiếc cặp da mang theo, chậm rãi lấy ra cuốn sách bồi dưỡng và cuốn sổ ghi chép đặt lên bàn.

- Nào! Chúng ta bắt đầu học bài!…- Anh quay sang, nghiêm nghị nói với cậu trò nhỏ ngồi bên cạnh. 

Với cặp kính cận lấp loáng trên khuôn mặt bầu bĩnh đầy những sợi lông tơ, cái đầu húi cua cúi gầm, Tùng đưa tay lần giở sột soạt những trang sách của cuốn ngữ văn lớp tám để trên bàn. Khi giở đến trang cần tìm, cậu dừng lại rồi lấy cái thước nhựa đè lên trên để giữ cho những trang sách khỏi bị lật qua lật lại. Xong việc, nó ngồi khoanh tay lên bàn, lặng im chờ đợi.

Tùng là một học trò ngoan, lễ phép và cũng đáng được gọi là con nhà. Bố cậu làm trong ngành ngoại thương, một người có vai vế và khá nổi tiếng trong giới doanh nhân. Tùng học khá, nhưng kiến thức cũng bị hổng vài, ba môn, điều mà hầu như bất cứ học sinh nào cũng dễ mắc phải. Người vừa mang nước vào là mẹ cậu, một phụ nữ tháo vát và rất mực quan tâm đến việc học hành của con cái. Trước đây bà làm nhân viên bán hàng cho một cửa hàng bách hóa, có nhan sắc và giỏi giao tiếp. nhưng chồng bà đi công tác thường xuyên, nên đã yêu cầu bà nghỉ việc để lo việc nhà và chăm sóc con cái. Và người phụ nữ ấy đã không phụ sự tín nhiệm của chồng, bà đã chứng tỏ có trách nhiệm với gia đình. Một mặt bà trông coi và quán xuyến tốt nhà cửa, mặt khác bà đã nhờ người tìm một gia sư để kèm cặp cho cậu quý tử duy nhất của họ. Năm tới Tùng bước vào kỳ thi tốt nghiệp cấp hai, và cậu cần phải được kịp thời củng cố những kiến thức bị hổng ngay từ bây giờ. Một người quen đã giới thiệu Hải Dương với bà. Và anh nhận lời cũng vì nể nang hơn là vì món tiền công mà mình sẽ được trả. Anh thích đến đây dạy, một phần cũng vì cái khung cảnh thơ mộng và yên tĩnh. Đó là một khuôn viên xinh xắn kiểu nhà vườn, có cả khoảng sân nhỏ để nhìn ra mặt hồ Tây lộng gió.

Cuối buổi học, Hải Dương cho cậu học trò nhỏ của mình làm bài kiểm tra.

- Bây giờ em lấy giấy ra. Hãy viết một đoạn văn ngắn tự chọn theo thể nghị luận! – Anh nói.

Tùng ngồi bặm môi suy nghĩ, những giọt mồ hôi túa ra, nhỏ giọt trên trán và lăn cả xuống hai bên cái tóc mai cắt ngắn. Hải Dương ngồi điềm nhiên ngồi xem sách. Rồi chàng lại nhìn ra cửa sổ. Cây táo dại, cành lá lùm xùm sà sát cửa sổ. Dưới chân bức tường rêu đá lởm chởm, nhưng bụi bồ công anh mọc vô tội vạ như cỏ dại, những bông hoa màu vàng nở lấm tấm. Một cái giỏ hoa xinh xinh được đan bằng tre, chẳng biết là ai đã treo lên cái cành cây cạnh đó tự bao giờ, trên đó còn vướng cả cái nơ màu hồng kết thành hình bông hoa đung đưa mỗi khi có gió thổi qua.   

Sau một hồi đánh vật với những con chữ, rồi Tùng cũng hoàn thành được bài kiểm tra ngắn mà thầy vừa giao cho.

- Em xong rồi đây ạ! – Cậu học trò nạp bài bằng cả hai tay và nhìn thầy hớn hở.

Hải Dương cầm lấy tờ giấy, đọc lướt qua, rồi nhíu mày:

- Cũng có tiến bộ. Nhưng em cần chú ý về câu chữ hơn nữa. Từ lặp nhiều và câu văn vẫn còn lủng củng!…

- Dạ! – Tùng đáp với một thái độ cầu tiến.

Thấy đã quá 5 giờ chiều, Hải Dương bèn thu dọn cặp sách và nói:

- Hết giờ rồi! Bây giờ thì chúng ta nghỉ thôi!...

Giống như một con chim sổ lồng, ngay khi thầy vừa dứt lời, Tùng liền ba chân bốn cẳng chạy như bay về phòng mình. Chừng vài phút sau, nó quay trở ra với đôi vợt cầu lông trên tay.

- Hôm nay thầy đừng hòng thắng được em nhé! – Nó đưa cho thầy một cây vợt và hý hửng nói toáng lên. Hai mắt nó tít lại, cái mũi hếch lên tơn hớn đầy vẻ thách thức.

Tùng béo mập, nghe lời thầy Hải Dương khuyên, nó đã cố gắng chơi cầu lông để cải thiện vóc dáng. Quen với nhịp sống đó, sau mỗi buổi học, cu cậu đều rất hào hứng với môn thể thao mới này. Trong lúc chơi, nó xăng xái chạy qua chạy lại, vừa đuổi theo quả cầu vừa dẫm thình thịch cặp dò núng nính làm rung chuyển cả nền gạch như một chú Voi con phá bĩnh.

- Tuần trước…em được cô giáo dạy văn…khen đấy thầy ạ! – Tùng thở hổn hển, khoe.

- Thật vậy sao? – Hải Dương vung tay đỡ mạnh quả cầu, hỏi.

- Vâng! Em nói là nhờ có thầy bổ túc nên mới được như vậy. Cô đã rất ngạc nhiên.

Hải Dương nhíu mày im lặng. Lát sau anh mới nói, giọng trách móc:

- Lẽ ra em không nên nói thì hơn. Vì như thế sẽ khiến cho cô giáo cảm thấy khó xử!....

Tùng xịu mặt chưng hửng. Nó tưởng nói như vậy thì thầy sẽ vui, không ngờ lại khiến thầy phật lòng. Nó cảm thấy bản thân mình có lỗi vì đã cư xử hấp tấp và thiếu tế nhị. Ở độ tuổi ấy, nó chưa thể đủ chín chắn để suy nghĩ thấu đáo như người lớn được. Từ lúc ấy, Tùng im lặng, chỉ tập trung đánh cầu mà không nói gì thêm nữa.

Mẹ của Tùng vừa mới đi chợ về. Chị ta đang dừng xe máy ở cổng, trao đổi không biết những gì đó với người làm vườn. Trên tay xách cái làn đựng đầy những rau, củ, thịt và bánh trái, chị thong thả bước lên thềm. Lúc đi qua chỗ họ, chị tươi cười, hỏi:

- Hai thầy trò đang chơi cầu lông đấy à?

- Vâng!...Chị đi chợ về? – Hải Dương đáp, nhưng mắt thì vẫn dõi theo quả cầu đang bay lơ lửng trên không trung.

quả cầu vẫn bay qua bay lại nhịp nhàng, tiếng xé gió rít lên và tiếng vợt bật nẩy nghe phần phật. Hải Dương đã cảm thấy hụt hơi, những cú đánh của anh cũng mỗi lúc một thiếu lực và chuệch choạc hẳn đi.

- Thôi! Không đánh nữa!...- Anh đỡ cho quả cầu rơi xuống đất, rồi mệt mỏi đưa tay quệt những giọt mồ hôi rơi lã chã trên trán.

- Sao vậy thầy? – Tùng cúi xuống nhặt quả cầu lên, ngạc nhiên hỏi.

- Bữa nay thầy không được khỏe! Chúng ta ra bờ hồ ngồi đi!....

Hải Dương băng qua khoảng sân rồi men theo lối mòn trên cỏ, lững thững đi ra phía hồ Tây. Anh đút hai tay vào túi quần, đầu cúi xuống và cứ thế cắm cúi bước đi. Tâm trí anh lúc này đang nghĩ tới Kiều Loan, đó là nguyên nhân vì sao hôm nay anh chơi cầu không được tập trung và phải nghỉ sớm hơn mọi khi như vậy. Phía sau, cậu học trò lon ton chạy theo, cỏ may và những đám cây dại cọ vào hai bên ống quần nó ràn rạt như tiếng gió thổi. Đã vài lần nó định cất tiếng hỏi, nhưng thấy thầy im lặng, vẻ mặt khó đăm đăm cho nên lại thôi. Khổ thân thằng bé, đang ở tuổi hồn nhiên, nó làm sao mà hiểu được tâm sự của thầy lúc này, đâu biết được chuyện của người lớn kia chứ.

Ra đến nơi, hai thầy trò cùng nhau ngồi bệt xuống mép hồ, chân thõng xuống bờ kè đá, mặc cho những cơn gió làm dịu đi cái bức bối sau những phút vận động thể thao.  Ở chỗ này, hồ Tây nom vẫn còn nguyên những nét hoang sơ và đầy dáng vẻ tự nhiên. Sóng vỗ vào bờ ì oạp, gió thổi cồn cột từng đợt, mát rượi. Xa xa, ở phía bờ bên kia, nhà cửa và cây cối hiện lên lờ mờ, nhấp nhô như ảo ảnh. Con đường cổ ngư chạy dài, ngoằn ngoèo như một con rắn. Cạnh đó, ngôi chùa Trấn Vũ cổ kính với ngọn tháp màu hồng vút cao như đang viết thư lên tận trời xanh.

- Chỗ đất nhô ra như mũi thuyền kia là Phủ Tây Hồ đó thầy! – Cặp mắt mở to, Tùng đưa tay chỉ về hướng tay trái nó đang ngồi và nói, cái mũi hếch càng như hếch thêm.

Thấy thầy vẫn không nói gì, nó lại liến thoắng:

- Hồ Tây đẹp thầy nhỉ?

- Ừ, đẹp!...

Hải Dương trả lời bâng quơ, ánh mắt mơ màng vẫn hướng ra phía mặt hồ mịt mù sương khói ngoài kia. Anh dim mắt, hình dung ra người đang ngồi cạnh mình lúc này là Kiều Loan. Nàng rạng rỡ trong chiếc váy mỏng màu thiên thanh, lả lơi tựa đầu vào vai anh và cả hai cùng nhau ngắm cảnh chiều buông trên mặt hồ gợn sóng. Còn anh thì đưa tay vuốt tóc nàng, âu yếm hôn lên cặp má trắng mịn của nàng và nói những lời đầy cưng nựng, yêu thương…Tất cả những mối tương tư lúc này đã khiến đầu óc anh tưởng tượng nên một viễn cảnh tình yêu, vừa phiêu bồng vừa lãng mạn như thế. Một hình ảnh của hạnh phúc, nhưng chứa đựng trong lòng một nổi nhức nhối vì giấc mộng yêu đương kia vẫn còn dang dở…

- Tết năm ngoái, bố đã đưa em đi chơi phủ Tây Hồ rồi đó. Ở trong ấy người đông và vui lắm thầy ạ!…

Câu nói của cậu trò nhỏ như kéo Hải Dương trở về với thực tại.

Chiều muộn dần buông. Hơi nước ẩm ướt từ dưới lòng hồ lúc này bốc lên lành lạnh, mơn man khắp da thịt người. Mặt hồ như một tấm gương khổng lồ, lấp lánh phản chiếu ánh hoàng hôn đỏ rực một màu, nhấp nhô. Dọc theo con đường đi dạo quanh hồ, những cây Liễu rũ bóng, những cây Muồng hoàng yến  cô đơn đang nhuộm vàng sắc hoa. Cách đó khoảng vài trăm mét, chỗ cây phượng bắt đầu trổ hoa đỏ ối, có vài người đàn ông trung niên đang đứng vịn tay vào lan can hàng rào, ngắm nhìn những con sóng đang xô nhau dưới mặt hồ với một vẻ tư lự. Một người phụ nữ luống tuổi, tóc đốm bạc, dắt theo chú chó nhỏ đi dạo, dáng điệu âm thầm, lặng lẽ. Một khung cảnh tuy buồn tẻ, đìu hiu nhưng cũng không phải vì thế mà kém phần diễm lệ.