Thứ Tư, 15 tháng 2, 2023

DUYÊN NỢ TRẦN AI (Chương V)

 


Nằm nép mình trên con phố nhỏ yên tĩnh, quán cà phê “Hoa Nắng” nom giống như một điểm nhấn trung tâm mà người họa sĩ đã cố tình vẽ lên để điểm tô cho bức tranh phong cảnh của mình thêm phần đặc sắc. Ngôi nhà hai tầng màu xanh, tuy không đồ sộ, nhưng có kiến trúc hài hòa với khung cảnh xung quanh. Từ phía ngoài đường, người ta có thể nhìn thấy một tấm biển quảng cáo khá đẹp, được gắn ở trên cao và chạy dọc suốt chiều dài mái hiên. Hai bên cửa ra vào của quán được treo hai cái đèn lồng lớn màu đỏ có tua rủ xuống, có lẽ là với mục đích thu hút sự chú ý của khách qua đường. Tuy nhiên nếu là vào buổi tối, khi những chiếc đèn lồng được thắp lên sáng rực, chúng lại tạo nên một không khí vừa hội hè vừa có chút gì đó bí ẩn và khơi gợi trí tò mò. Trên tầng hai có một cái ban công nhô ra theo hình bán nguyệt, mà mỗi khi đứng ở đó, người ta đều có thể quan sát được toàn bộ khu phố với không gian rộng mở nhất mà không hề bị hạn chế tầm nhìn. Phía trên ban công lại có một giàn hoa giấy hai màu đỏ trắng mọc lùm xùm. Cái giàn hoa giấy ấy rậm rạp đến nổi có cảm giác nếu ta có đứng trú ở bên dưới thì cũng không sợ bị mưa làm cho ướt người. Nếu ai hay xem những bức tranh vẽ phố của các danh họa thế kỷ 20, thì ngôi nhà của chúng ta cũng phảng phất đâu đó hình ảnh của một trong số những tác phẩm như vậy.

Phía trước quán cà phê có hai hàng bằng lăng cao lớn chạy dọc suốt con đường. Mùa đông chúng trơ ra những thân cây đen đúa, những đám cành lá khẳng khiu, xơ xác. Nhưng khi hè về, cũng chính những cây này lại bày ra trước mắt người ta một cảnh tượng hoàn toàn trái ngược, huy hoàng và tràn đầy sức sống. Lấp ló sau tán lá xanh rì, những chùm hoa tím biêng biếc nở bung ra nhìn đến lóa mắt. Những khi ấy, khu phố nhỏ như được nhuộm một màu của sắc tím bằng lăng. Ở đây người ta buôn bán nhỏ, cả phố chỉ có vài ba cửa hiệu bán quần áo, hàng tạp hóa và lưu niệm. Thêm một công ty may mặc, một điểm bưu điện nhỏ ở cuối phố, ngoài ra thì không có gì đặc biệt.

Vào mỗi buổi sáng, cứ khoảng 5 giờ rưỡi thì các cô nhân viên của quán “Hoa Nắng” lại thức dậy, dọn dẹp và bày biện mọi thứ để chuẩn bị cho một ngày làm việc mới. Đúng 7 giờ, khi mà phố xá đã đông đúc người qua kẻ lại thì họ mới bắt đầu mở cửa đón khách. Nhịp sống đó cứ diễn ra đều đặn, hết ngày này qua tháng khác như một vòng quay vô tận. 

Quán có hai tầng thì tầng một được dùng để bán hàng. Tại đây người ta đặt những bộ bàn ghế bằng gỗ sồi để cho khách ngồi uống cà phê. Trên tường có treo mấy bức tranh cổ điển Âu Châu thời kỳ phục hưng, được lồng trong những cái khung mạ vàng lấp lánh. Một lối bài trí tuy đơn giản nhưng cũng không kém phần trang nhã và thanh lịch. Ngoài ra, xen giữa những hàng ghế, đôi khi người ta cũng đặt ở đó những chậu cảnh và hoa để khách có cảm giác được gần gũi với thiên nhiên hơn. Tầng trên là nơi ở của nhân viên, gồm có hai phòng ở và một gian bếp để phục vụ cho việc nấu nướng. Thường ngày chỉ có Vân và Kiều Loan ở đây, còn Hà thì thảng hoặc mới nghỉ lại, vì cô còn có nhà riêng của mình ở trong thành phố.

o0o

Bà chủ quán cà phê “Hoa Nắng” vốn là một cán bộ ngành ngân hàng về hưu. Đó là một người phụ nữ ngoại sáu mươi, to béo, da thịt nhão nhợt và có khuôn mặt hơi rỗ. Ngày trước, hai vợ chồng ông bà sống ở đây. Nhưng từ khi về hưu, họ cải tạo nơi này thành quán cà phê và chuyển về ở với người con trai cách đây vài con phố. Quán được giao cho Hà - người cháu gọi bà bằng cô - điều hành và quản lý. Lời lãi cũng không quan trọng lắm, điều cốt yếu là bà muốn có người trông coi để ngôi nhà khỏi bị bỏ không. Thi thoảng, anh con trai lại đánh chiếc xe ô tô Matiz màu trắng chở bà đến chơi và thăm quán. Mỗi lần đến nơi, chiếc xe lại chạy từ từ, lăn bánh vào sát hàng hiên rồi đỗ xịch ngay trước quán. Cửa xe mở, bà khoan thai bước xuống, tay ôm theo một chú cún Nhật có bộ lông xù và trắng muốt như một cục bông. Trong trang phục là chiếc váy xòe màu hồng có điểm những chấm tròn như hạt đỗ, nom bà đẹp và sang trọng giống như bất cứ những quý bà luống tuổi và nhàn rỗi nào khác. 

Thấy bà chủ đến, mấy cô nhân viên cuống quýt cả lên.

- U Dần đến rồi kìa! – Họ thì thầm vào tai nhau và đưa tay chỉ trỏ.

Bà chủ ôm con chó, âu yếm và cưng nựng như đối với một đứa trẻ, lạch bạch đi vào bên trong quày.

Hà mang đến cho bà ta một chiếc ghế dựa, rồi đứng ngay sau lưng, nhẹ nhàng nắn bóp hai bên bả vai bà cô mình.

Kiều Loan để cốc nước lọc vào một cái đĩa men sạch bóng, lễ phép bê đến đặt trước mặt bà chủ.

- Mời u uống nước!

- Cứ để đấy cho u! – Bà chủ đáp và khoát tay một cách hào phóng. 

Nhân khi chủ nhân vừa mới kịp vén váy ngồi xuống, chú chó láu lỉnh lập tức nhảy ngay xuống đất và mất hút sau những dãy bàn ghế phía dưới. Nó chạy lăng xăng khắp quán, khụt khịt đánh hơi và tò mò khám phá theo bản năng của loài chó, cho dù cái lãnh địa đó chẳng phải thuộc quyền của nó cai quản. Khách khứa trong quán lại được một phen thích thú với chú chó nhỏ xinh đẹp và đáng yêu. Một vài cô gái thậm chí còn cố bắt nó lên để bế, nhưng nó đã nhanh nhảu nhảy cẩng lên chạy ngay đi chỗ khác.

Bên trong quày, u Dần vẫn đang ngồi chuyện trò thân mật với các nhân viên của mình. Bà hỏi han công việc, ngắm nhìn mọi thứ xung quanh với con mắt quyền uy của một bà chủ. Bà góp ý một vài thứ trong quán mà mình cảm thấy chưa hài hòng hoặc cần phải sửa đổi. Nhưng bao giờ bà cũng biết pha trò để động viên những người dưới quyền của mình. Bà đưa cặp mắt him híp có hai cái bọng sệ xuống nom như hai nửa đồng xu, âu yếm nhìn mấy cô nhân viên trẻ và cất cao giọng:

- Thế nào? Cô nào còn chưa có người yêu để u tìm cho nào?

Cô nàng Vân nghe vậy thì cười toe toét, đứng chống tay làm dáng rồi dẩu mỏ, tếu táo:

- U kiếm cho con một anh chàng thật đẹp trai và ga lăng ấy!

Bà chủ lườm cho cô ta một cái rồi phẩy tay:

- Mày thì thôi! Để tao kiếm cho cái Kiều Loan ấy. Nó ngoan Hiền, chứ ngỗ ngược như mày thì đàn ông nào nó thèm yêu!

Kiều Loan nghe bà chủ nhắc đến mình thì xấu hổ, nàng lảng ra, rồi lặng lẽ mang cốc chén đến chỗ bồn nước và mở vòi rửa lách cách.

- Cái Vân có nhiều người yêu lắm cô ơi! Cô đừng có tưởng! – Hà ngừng nắn bóp, nói xen vào.

- Ừ! Là tao nói đùa vậy thôi. Chứ nó thì ghê rồi! Có mà đàn ông sợ nó thì có! – Bà chủ cũng phải thừa nhận.

 Mọi người cùng cười rộ lên vui vẻ.

- Thôi! Mấy đứa làm việc tiếp đi. U về đây! – Bà chủ vịn vào thành ghế đứng dậy, nói.

- U về ạ! – Mấy cô nhân viên gần như đồng thanh. Kiều Loan cũng bỏ dở công việc để ra tiễn bà chủ.

Trước khi ra xe, bà còn ngoảnh lại, dặn thêm:

- Mấy đứa gắng trông nhà cho tốt nhé. Tối nhớ đóng cửa sớm! Chị Hà thi thoảng cũng đến ở với hai em cho vui!

Ra đến ngưỡng cửa, như chợt nhớ ra điều gì, bà dừng lại và lắc lư cái thân hình mập ú, ngơ ngác nhìn quanh:

- Ơ! Con Mi Lu đâu rồi ấy nhỉ?...

Rồi bà ngửa cổ, cất cái giọng vang vang và đầy uy lực của mình, lớn tiếng gọi:

- Mi Lu đâu!... Về thôi nào!

Đang mãi mê chơi đùa ở tận góc quán, nghe thấy tiếng chủ gọi, chú chó vẫy đuôi lũn cũn chạy ra. Nó quấn lấy gấu váy chủ nhân rồi khi đến chỗ chiếc xe đang đậu, nó nhanh nhảu nhảy tót vào bên trong một cách thành thạo như đã được huấn luyện từ lâu.

o0o

Thường ngày, vào mỗi dịp cuối tuần, thi thoảng Kiều Loan lại đi bộ ra điểm bưu điện ở cuối phố gần đó. Nàng đến đây không phải để gọi điện, cũng không phải nhận bưu phẩm, mà để gửi thư về nhà và nhân tiện gửi cho đứa em ít tiền ăn học. Ở quê, nàng còn có mẹ già và đứa em trai năm nay đang học cấp hai. Cách đây mấy năm, bố nàng – một người đàn ông rất mực thương yêu vợ con - đã qua đời sau một cơn bạo bệnh. Từ đó mấy mẹ con họ sống một cuộc sống hết sức khó khăn, vì thiếu vắng đi bàn tay chèo chống và chở che của một trụ cột gia đình. Là con gái lớn, Kiều Loan ý thức được trách nhiệm của mình với cái mái ấm nhỏ bé mà đối với nàng là hết mực thiêng liêng ấy. Sau nhiều ngày dằn vặt suy nghĩ và cả nước mắt, sau cùng nàng đã quyết định mình sẽ phải làm một việc gì đó để có tiền phụ giúp cho mẹ và em.

Vậy là hai năm trước đây, Kiều Loan đã thân gái dặm trường, một thân một mình khăn gói lên thành phố để tìm kiếm việc làm. Một cô gái mới mười bảy tuổi, lần đầu tiên xuống thủ đô cho nên nàng cũng không tránh khỏi những phút giây bỡ ngỡ và lo lắng. Mấy ngày đầu, nàng ở nhờ nhà một người quen. Theo lời khuyên của người này – Vốn là một bà chị họ đã theo chồng lên thành phố sinh sống từ lâu - nàng ra phố mua một tờ báo “Mua Bán” số mới nhất để tìm kiếm thông tin việc làm. Kiều Loan mang tờ báo về nhà, căng mắt đọc ngấu nghiến những con chữ nhỏ li ti mà không bỏ sót một dòng nào. Sau nhiều đắn đo, cân nhắc, rồi cô cũng lựa chọn được cho mình một công việc tạm coi là phù hợp: Làm nhân viên bán hàng tại một ngôi quán cà phê có tên là “Hoa Nắng”. Ở đó, họ sẵn sàng trả một mức lương mà theo nàng tính, nếu chịu khó chi tiêu tằn tiện thì cũng có thể dư ra chút đỉnh để làm khoản tiết kiệm.

Lần theo địa chỉ đã ghi trên tờ báo, hôm sau ăn sáng xong, Kiều Loan sốt sắng lên đường tìm ngay đến quán cà phê “Hoa Nắng”. Vì không quen đường và kiểu giao thông phức tạp ở thành phố cho nên nàng vừa đi vừa phải hỏi thăm khá lâu, lúc tìm được đến nơi thì đã khá trưa. Tiết trời mùa hạ, nắng nóng như lửa đốt râm ran khiến nàng mồ hôi mồ kê nhễ nhại. Nàng cảm thấy vừa mệt vừa lo lắng. Tiếp nàng là một người phụ nữ lớn tuổi to béo, mà nàng đoán là chủ quán. Bà ta ngồi bắt chéo chân trên chiếc ghế bành bọc da, hai bàn tay chuối mắn để lên đùi. Chiếc quạt cây Hitachi đặt cách đó vài mét chạy hết tốc lực, quay đi quay lại vù vù khiến cho cái áo mỏng trên người bà ta cứ phồng lên như một cái phao. Nghe Kiều Loan trình bày xong, bà ta đưa cặp mắt hiểu biết nhìn nàng suốt một lượt từ đầu đến chân, rồi hất hàm:

- Mới ở nhà quê lên hả?

- Vâng! – Kiều Loan lí nhí đáp, trống ngực nàng đập thình thịch, hồi hộp như một đứa trẻ bị cô giáo gọi lên bảng.

Người đàn bà nhìn kỹ Kiều Loan một lần nữa, như thể người ta đang đánh giá chất lượng một món hàng mà mình sắp bỏ tiền ra mua. Thấy cô gái có vẻ hiền lành, hình thức dễ coi, bà ta gật gù có vẻ hài lòng.

- Làm sao cô biết quán tuyển nhân viên mà tìm đến đây?

- Dạ! Cháu đọc được trên báo…- Kiều Loan đáp và rụt rè chìa tờ báo gấp tư đang cầm trên tay ra phía trước.

- À…ờ!...Thế cô cũng đã xem các điều kiện rồi chứ?

- Vâng!

Chủ nhà ngồi thẳng người lên, nhìn thẳng vào giữa hai hàng lông mày của cô gái trẻ, cất giọng rổn rảng:

- Thế này này!... Nhìn cô hiền lành, có vẻ cũng con nhà tử tế. Vì vậy mà tôi nhận cô vào làm. Điều kiện thỏa thuận là: Lương cứng một tháng sáu trăm ngàn. Nếu làm tốt thì có thể được thưởng thêm. Bao ăn ở tại chỗ. Cô đồng ý chứ?

- Dạ! Cháu đồng ý! – Kiều Loan sung sướng đến đỏ cả mặt. Cô không thể ngờ buổi phỏng vấn của mình lại diễn ra nhanh chóng và thuận buồm xuôi gió đến vậy.

- Thưa cô!...- Kiều Loan lấm lét nhìn người đàn bà, ấp úng.

- Gì nữa?

- Cháu… muốn biết tên cô, để...

- À!... Cứ gọi u là u Dần nghe chưa! – Người đàn bà dịu nét mặt, thái độ đã có phần nhã nhặn hơn trước.

Kể từ đấy, Kiều Loan ở lại và làm việc tại quán cà phê “Hoa Nắng” cho đến ngày hôm nay.