Thứ Tư, 15 tháng 2, 2023

DUYÊN NỢ TRẦN AI (Chương III)

 


Sáng hôm chủ nhật, đầu tháng tư, Hải Dương chuẩn bị tiền nhà đâu vào đấy rồi đi sang nhà ông Hồng. Nấn ná một lúc bên cánh cổng đóng im ỉm, sau cùng anh cũng quyết định giơ tay lên bấm chuông. Cái cổng bằng đồng cao lừng lững, trên đó có nhiều họa tiết được đúc nổi khá sinh động và cầu kỳ. Nghe thấy tiếng chuông, con chó becgie bổng từ đâu xộc ra rồi chồm lên như hung thần quỷ dữ. Dưới sức nặng của nó, cánh cổng đồ sộ khẽ rung lên và phát ra những âm thanh loảng xoảng nghe chói tai. Đôi mắt nó đỏ rực lên như hai hòn than, hai tai dựng đứng, cái lưỡi đỏ hỏn và dài thoòng thì cứ thè ra nom đến phát hãi.

- Phốc!...Vào trong nhà ngay! – Có tiếng quát oang oang vang lên. Hiến, cậu út nhà ông Hồng đang dắt xe máy ra sân và chuẩn bị đi đâu đó.

Hiến là một thanh niên khá bảnh trai, có khuôn mặt giống bố như lột nhưng dáng người lại thấp đậm. Cái áo sơ mi kẻ sọc bó sát mà cậu đang mặc trên người được cắt may rất khéo, để lộ bộ ngực nở nang, lực lưỡng. Sau tiếng quát, Hiến chộp lấy cái vòng cổ con chó và kéo nó đến tận cuối góc sân rồi xích dưới gốc một cây bưởi đang trổ hoa trắng muốt.

Cậu út quay lại, hé mắt nhìn qua khe cổng rồi cất giọng lí nhí qua kẻ răng:

- Chào anh!

- Cậu đi học đấy à?

- Dạ không! Em đang định đến nhà bạn mượn ít tài liệu ôn thi! Hôm nay là chủ nhật mà anh! – Hiến đáp và đưa tay kéo cái chốt cổng ra.

- Ừ nhỉ. Thế mà tôi quên mất!

Hải Dương ẩy nhẹ cánh cổng, bước vào trong sân.

- Ông cụ có nhà không? Tôi sang để đóng tiền tháng vừa rồi…

Hiến quay mái đầu húi cua trên cái gáy phẳng đứng được cạo nhẵn ra sau, lớn tiếng gọi:

- Bố ơi!...Có anh Hải Dương muốn gặp bố này!....

Tiếng ti vi trong nhà chợt im bặt. Chừng vài giây sau, có tiếng ồm ồm của ông cụ vọng ra:

- Ai đấy?...

- Anh Hải Dương!

- Cứ vào đi!...

- Bố em nói mời anh vào! – Cậu út ngoảnh lại, tươi cười.

Hải Dương để giày dưới sân, bước lên cái thềm gạch men bóng loáng và chậm rãi tiến về phía phòng khách. Ông Hồng đang ngồi ở ghế đi văng xem ti vi. Tiết trời se lạnh, nhưng trên mình ông lão chỉ mặc độc một cái áo phông trắng cổ tròn và chiếc quần bộ đội đã bạc màu. Chiếc ti vi 25 inch hiệu Sony đặt ngay ngắn trên cái tủ tường bằng gỗ kiểu vách ngăn. Bên trong tủ được trưng bày những chiếc bình gốm mĩ nghệ, những li, cốc kiểu cách và mấy chai rượu ngoại đắt tiền. Nằm gọn lỏn trong cái ô vuông vuông chính giữa là một chiếc đồng hồ treo tường chạy pin kiểu cổ nom khá tinh xảo. Trên mặt bàn thấy có một bình hoa lay ơn màu hồng phấn, có lẽ là do cô con gái bày biện ở đây từ sáng. Bộ ấm trà kiểu “Phúc, lộc, thọ” đặt ngay ngắn giữa bàn, trắng bóng và sạch như lau, cạnh đó có một chén nước đang uống dở.

- Chào bác! – Hải Dương bỏ cái mũ lưỡi trai ra khỏi đầu, lễ phép.

- Anh ngồi xuống đây! – Ông lão nhìn lướt qua khách một cái, chỉ tay xuống cái ghế bên cạnh rồi lại tiếp tục dán mắt vào màn hình ti vi. Có vẻ như trận bóng đá trên truyền hình đang thu hút hết tâm trí ông. Mắt ông mở to, hấp háy, cái miệng có cặp môi rất dày thì thi thoảng lại ngoác ra với một vẻ phấn khích tột độ.

Hải Dương đến ngồi vào bàn, tò mò hướng ánh mắt về phía màn hình.

- Sút!...Vào…vào đi!... Lại không vào rồi! – Ông lão dậm chân, thình lình hét toáng lên đến lạc cả giọng.

Có tiếng cánh cửa rít lên cót két, Hải Dương quay đầu nhìn về phía ấy. Cái đầu bù xù của bà lão ló ra sau cửa phòng ngủ. Khuôn mặt nhăn lại như cái bị, bà ném về phía ông chồng một ánh nhìn đầy tức tối và cất giọng đanh đá:

- Tôi đã nói với ông bao nhiêu lần rồi? Sang nhà ông lang bên làng Cót, cắt cho tôi vài thang thuốc đau xương cốt nghe chửa. Vậy mà giờ này ông vẫn còn ngồi đó xem bóng đá à?... Lại còn hét toáng lên như lũ trẻ con ngoài phố nữa. Đúng là già rồi mà không biết xấu hổ là gì cả. Ông định để cái bệnh đau xương cốt nó hành hạ tôi đến bao giờ nữa hử?... Thôi! Tắt ti vi và đi ngay đi! Không bóng với bánh gì nữa hết!…

Ông lão cụt hứng, hàng lông mày đốm bạc cụp xuống, nom thiểu não một cách tội nghiệp. Lão miễn cưỡng với tay vớ lấy cái điều khiển để trên bàn, rồi tắt phụt ti vi. Bực mình với bà vợ già, lại thẹn với khách, lão sượng sùng châm thuốc hút.

- Anh thế nào, chứ tôi thì mê bóng đá lắm! – Lão hào hứng nói giữa hai hơi thuốc, có vẻ như đã hoàn toàn quên đi sự khó chịu mà bà vợ vừa mới gây ra cho mình - Hồi còn trong quân ngũ, tôi cũng là một tay tiền đạo cừ, đã từng đoạt giải cấp trung đoàn cơ đấy!...

Hải Dương mỉm cười lấy lệ, rồi anh lấy số tiền đã chuẩn bị sẵn từ nhà để lên bàn:

- Bác cho cháu thanh toán tiền tháng trước!...

- Đợi tôi lát! – Ông lão phẩy tay, rồi đứng dậy hấp tấp đi về phía chiếc bàn nhỏ đặt ở góc phòng, dáng điệu vẫn khỏe khoắn như hồi còn trẻ. Ông mở ngăn kéo lấy ra một cuốn vở kẻ ô li, rồi quay lại chỗ ngồi của mình.

Ông giở cuốn vở, lóng ngóng đeo cặp kính lão vào.

- Tháng vừa rồi… cả tiền nhà, tiền điện nước. Vị chi là của các anh hết….sáu..trăm..chín lăm…nghìn!...

Với một vẻ tự nhiên nhất đời, ông cầm lấy xấp tiền để trên bàn, lẩm nhẩm đếm.

- Đủ rồi!... Các anh cứ sòng phẳng như thế là tốt! Tôi rất hài lòng!..- Ông nói và cười rất tươi, để lộ chiếc răng vàng lấp lóa nơi khóe miệng.

- Vâng!

Chủ nhà chìa bao thuốc lá cho khách:

- Anh hút thuốc đi!

- Cảm ơn bác! Cháu không quen hút loại này – Hải Dương xua tay. 

- Tôi thì hút quen rồi, nó đậm đà và hợp gu! – Ông cụ nói, hai con mắt rất gần sống mũi nhìn người khách trọ của mình một cách đầy thiện cảm. Đôi mắt đã bạc màu nhưng vẫn còn rất tinh anh. Mỗi khi ông nhìn ai thì có cảm giác như muốn xoáy sâu vào tâm khảm và đọc được hết những ý nghĩ thầm kín bên trong con người ta.

Hải Dương ngồi nán thêm một lát rồi đứng lên chào chủ nhà để ra về.

- Anh về nhé! – Ông lão giơ tay lên chào – Thông cảm nhé! Bây giờ tôi cũng phải đi có chút việc!

Khách ra về rồi, ông lão liền đi lấy cái áo sơ mi mặc vào rồi nai nịt cẩn thận, gọn gàng như một chiến binh sắp ra mặt trận. Ông có thói quen mặc đồ rất nhanh và gọn gàng, âu đó cũng là một ưu điểm nữa được thừa hưởng từ môi trường quân ngũ. Giờ này ông phải đạp xe sang tận làng Cót để cắt thuốc bà vợ già trái tính trái nết của mình. Trong lúc dắt chiếc xe đạp phượng hoàng màu cánh trả ra sân, miệng ông vẫn không ngừng lẩm bẩm:

- Đi thì đi! Xương cốt mụ đau thì có ảnh hưởng gì đến tôi chứ. Hừ!...Trận bóng đá đang hay!… Mụ đúng là quỷ dữ!. Quỷ tha ma bắt mụ đi cho tôi được nhờ… Cái mồm thì cứ quang quác như con gà mái ấy, chẳng có ngày nào là được yên ổn lấy một giờ cả!…

Ra đến đầu ngõ, ông lão đặt một chân lên pê đan, nhún mình lấy đà vài nhịp rồi bắt chéo chân ngồi lên chiếc xe và bắt đầu đạp khật khừ như một người say rượu.

o0o

Sau khi rời khỏi nhà ông Hồng, tiện thể, Hải Dương ghé vào quán nước cụ Chuẩn và ngồi ở đó thêm một lúc. Anh đút hai tay vào túi quần, nhìn trước ngó sau rồi vừa huýt sáo vang lừng vừa xăm xăm bước sang phía bên kia đường.

Phía sau chiếc bàn được xếp đầy những hộp bánh, nước ngọt và trái cây, cụ Chuẩn đang ngồi một mình, dựa lưng vào chiếc ghế mây. Ông cụ mặc một cái áo len mỏng cổ trái tim bên ngoài chiếc sơ mi màu đỏ mận nom rất thích hợp. Lần nào đến đây, Hải Dương cũng nhìn thấy ông cụ với một phong thái lịch lãm như thế. Chủ quán đang cắm cúi đọc cái gì đó, chiếc mũ bê rê đội sùm sụp trên đầu gần như che kín hết cả hai bên mí mắt. Có cảm tưởng như cái sống mũi thanh thanh và hơi gồ lên của ông cụ lúc này cũng khẽ chuyển động theo từng con chữ trong trang sách.

- Để xem cụ đang làm gì nào? – Hải Dương kéo ghế ngồi, nhìn vào cuốn sách ông cụ đang cầm trên tay và cất tiếng ôn tồn.

- À!...à!... Anh ngồi uống nước!

 Nhận ra khách quen, ông lão đổi mặt làm vui. Ông để cuốn sách cũ nhàu xuống mặt bàn, rồi đưa bàn tay gầy gò có những đường gân xanh xanh nổi lên vừa dụi mắt vừa ngượng ngùng giải thích:

- Những lúc rỗi, tôi hay mang mấy cuốn chuyện tranh ra đọc để giải trí. Thực ra không chỉ trẻ con đâu, mà đến người lớn mình đọc cũng thấy hấp dẫn lắm anh ạ!…

“Thì ra Ông cụ đang xem truyện tranh” – Hải Dương thú vị nghĩ thầm.

- Vâng!... Rất hấp dẫn!...- Hải Dương buộc miệng phụ họa theo. Rồi sau vài giây suy nghĩ, anh nói thêm:

- Đó là một loại hình văn học khá thịnh hành hiện nay. Mà ngôn ngữ được thể hiện trong tác phẩm chính là hội họa. Nó sinh động, hấp dẫn và khơi gợi được trí tưởng tượng của trẻ thơ. Trong tác phẩm truyện tranh, họa sĩ đóng vai trò là người sáng tạo chính, ngôn ngữ hình ảnh sẽ thay cho ngôn ngữ văn chương!…

- Phải! Phải…Anh nói phải! - Ông cụ hào hứng hẳn lên, tay vẫn phất qua phất lại cái chổi lông gà để phủi những đám bụi li ti bám trên mặt bàn – Như thế thì cái tài năng của họa sĩ cũng chẳng kém gì nhà văn anh nhỉ?

- Vâng! – Hải Dương nhũn nhặn đáp.

Cụ Chuẩn có vóc dáng cao gầy, nước da trắng xanh nhợt nhạt. Đó là tạng người chỉ quen với lao động trí óc mà cả đời chẳng phải động chân động tay đến những công việc nặng nhọc bao giờ. Tiếp xúc với cụ, người ta có cảm tưởng như cụ chẳng bao giờ ra khỏi nhà hoặc là rất ít khi tiếp xúc với môi trường thiên nhiên. Giống như một cái cây được trồng trong nhà kính, cả đời chỉ quen với ánh sáng đèn điện mà chẳng bao giờ biết đến ánh sáng mặt trời cả. Ấn tượng ban đầu về cụ như vậy, kể ra thì cũng có nhiều phần đúng. Vài năm trước đây, cụ Chuẩn từ giã cuộc đời viên chức để về hưu và sống một cuộc sống giản dị cùng bà con lối phố. Và ông cụ, với bản tính hướng ngoại của mình đã quyết định mở một ngôi hàng chè chén trước nhà để có cơ hội tiếp xúc và trò chuyện với mọi người, thay vì suốt ngày chỉ ru rú trong xó nhà với mấy bức tường bê tông xám xịt chán ngắt. Thường thì quán của cụ cũng chỉ đông một lúc vào sáng sớm, còn thì phần lớn thời gian còn lại trong ngày là khách khứa vãng lai. Đó có thể là anh lái xe ôm ghé vào uống nước, nhân tiện hỏi thăm đường sá. Hoặc giả là mấy anh thợ xây, thợ hồ làm việc ở công trường gần đó vào quán hút thuốc, nghỉ xả hơi và ăn chút quà bánh gì đó sau những giờ lao động mệt nhọc. Về phần Hải Dương, thi thoảng anh cũng thích đến đây để chuyện trò với ông cụ, vì theo anh, ông là một người hiểu biết và khá thú vị.

Ông lão mở nắp cái tích, lấy ấm trà ủ trong đó ra và rót vào hai cái chén nhỏ màu da lươn. Khói trà bốc lên nghi ngút, thơm và rất quyện.

- Chè tôi mới lấy đợt này đấy. Nước xanh và đượm lắm! – Lão hí hửng nói như khoe.

Hải Dương nâng chén lên nhấp một ngụm, thong thả cảm nhận cái vị chát và ngòn ngọt lan tỏa dần trên đầu lưỡi. Cũng như bao công việc ẩm thực khác, pha trà ngon cũng không phải là việc dễ, nó còn phải tùy tay và cái năng khiếu của người ta nữa. Cụ Chuẩn lại là con người đáp ứng được những điều kiện đó. Vốn là một người tinh tế và biết thưởng thức, vì vậy mà cụ pha chè cũng rất ngon.

- Cụ cho điếu thuốc!

Chủ quán mở cái tủ kính con con dựng nghiêng trên bàn, lấy ra gói thuốc Vinataba đưa cho khách. Hải Dương nhón tay rút một điếu, rồi chậm rãi châm lửa hút.

Dù vẫn ghé quán luôn, nhưng it khi Hải Dương nhìn thấy con cái ông cụ ở trong nhà. Sau này anh mới biết, ông bà chỉ có mỗi một anh con trai, đã lập gia đình và ở mãi tận đâu bên phố Kim Liên. Thi thoảng vào dịp lễ nào đó, mới lại thấy vợ chồng họ đưa  hai đứa cháu về đây chơi với ông bà nội. Hai đứa bé còn nhỏ, chừng mươi, mười hai tuổi gì đó. Chúng chơi đùa và hỏi han ông nội đủ thứ. Còn ông cụ thì vừa cười vừa âu yếm trả lời chúng, khiến cho những nếp nhăn trên khuôn mặt như giãn thêm ra. Những lúc ấy nom ông vui và hạnh phúc lắm, như là trẻ lại đến cả chục tuổi.

Cụ Chuẩn đã sống một cuộc đời viên chức cống hiến và liêm khiết. Hồi còn đi làm, lương chỉ ba cọc ba đồng, cũng chẳng hề có chức quyền hay bổng lộc gì cả. Vì vậy mà khi về hưu, ông vui vẻ đón nhận cuộc sống mới với một tâm thái thanh thản mà chẳng chút vướng bận hay nuối tiếc nào. Kể ra thì đó cũng là một nhân cách đáng để khâm phục và tôn trọng trong thời buổi kim tiền ngày nay.

Lúc này Hải Dương muốn nói một điều gì đó để thể hiện sự quan tâm đến ông lão, bèn hỏi:

- Dạo này cụ thế nào? Cuộc sống vẫn được như ý chứ?

Nghe vậy, khuôn mặt ông cụ thộn ra, lộ vẻ nhẫn nhục. Ông đáp mà giọng như chùng hẳn xuống:

- Anh ạ! Cuộc đời đã mài nhẵn tôi như một viên đá cuội bị sóng đánh dạt vào bãi biển. Để đến nổi bây giờ nhẵn thín, tròn vo, lăn đi hướng nào cũng được. Tôi giờ đây sống nhàn nhã, vô ưu vô lo, cũng chẳng quan tâm vướng bận điều gì cả!…

Ông cúi đầu, lặng im một lúc, rồi gật gù đọc:

“…Thu ăn măng trúc, đông ăn giá

Xuân tắm hồ sen, hạ tắm ao

Rượu đến gốc cây ta sẽ nhắp

Nhìn xem phú quý tựa chiêm bao”(*)

Khách im lặng, bồi hồi nhìn ra khoảng đất trống trước mặt. Dưới gốc cây trứng cá ngoài kia, có một cái xe đẩy bán hàng của ai đó để không nằm chỏng chơ. Một cái bếp than tổ ong đã mở nắp, tàn của những viên than chưa hót còn vương vãi ra khắp xung quanh. Cạnh đó, chú Mèo mướp nằm cuộn tròn, hai tai nó dựng đứng lên và thiu thiu ngủ. Nắng cũng đã bắt đầu lên, lan tỏa và sưởi ấm khắp không gian cảnh vật. Một sáng xuân thật đẹp và yên bình.

Có tiếng xe máy nổ bình bịch mỗi lúc một gần. Hải Dương nhận ra ngay đó là xe của Long (Chiếc xe bị thủng một lỗ nhỏ ở ống xả, cho nên tiếng nổ nghe to và khác thường). Tiếng xe máy nhỏ dần rồi tắt hẳn, cái đầu bù xù của Long ngó vào. Cậu chàng sốt ruột giơ tay nhìn đồng hồ, giục:

- Đi thôi! Sắp đến giờ đá rồi đấy!

Sáng nay họ có một trận thi đấu bóng đá ở sân trường.

- Ờ!...ờ!...Xong ngay đây! – Hải Dương cuống quýt đáp.

Thanh toán tiền xong, Hải Dương chào chủ quán rồi leo lên ngồi phía sau xe. Long bặm môi nhả tay côn, chiếc xe giật nhẹ một cái và chồm lên như con ngựa bất kham rồi từ từ lăn bánh.

__________________________________________________________

(*): Bài thơ “Cảnh nhàn” của Nguyễn Bỉnh Khiêm.