Thứ Tư, 15 tháng 2, 2023

DUYÊN NỢ TRẦN AI (Chương VII)

 


       Long hết đứng lại ngồi, nhấp nha nhấp nhổm như đang ngồi trên đống lửa. Anh bật ti vi lên xem, nhưng cứ chuyển kênh liên tục, đầu óc chẳng thể nào tập trung được nữa. Anh chàng đang đợi Hải Dương về để đi ăn cơm, thậm chí là đã ăn vận chỉnh tề: Chiếc áo sơ mi màu cỏ úa bỏ vào trong quần, chân đi đôi giày da màu đen đánh xi bóng lộn, đầu tóc cũng đã chải chuốt gọn gàng. Nhưng đến gần 7 giờ tối mà vẫn chưa thấy anh bạn cùng phòng về. Long tắt ti vi rồi bắt đầu châm thuốc hút. Anh chàng đi đi lại lại trong nhà, thi thoảng lại sốt ruột liếc mắt nhìn chiếc đồng hồ báo thức để trên bàn. “Cậu chàng lại rẽ ngang rẽ dọc vào đâu rồi. Mọi lần cũng đi dạy nhưng có lần nào về muộn như hôm nay đâu” – Long bực mình nghĩ thầm.

Có tiếng mở cổng lách cách. Long ngó đầu nhìn ra: Hải Dương đang hì hụi dắt xe vào trong sân, bóng đèn xi nhan vẫn còn nhấp nháy chưa kịp tắt.

- Cậu vào cất xe rồi chúng mình đi ăn cơm luôn đi. Muộn lắm rồi đấy! – Long nói to, nhân tiện đưa tay mở rộng cánh cửa.

Hải Dương dắt chiếc xe máy của mình vào trong nhà. Họ khóa cổng lại, rồi cả hai cùng đi bộ ra quán ăn. Hai người cao xấp xỉ nhau, tuy nhiên Hải Dương vẫn nhỉnh hơn bạn mình một nửa mái tóc bồng bềnh nhô lên. Tiếng bước chân của họ rền vang bởi âm thanh từ những bức tường bê tông dội lại. Hải Dương đút hai tay vào túi quần, cắm cúi bước, Long đi cạnh bên, vung tay thoái mái, người hơi kiễng lên. Lác đác đã có vài ngôi nhà lên đèn, ánh điện hắt qua những khung cửa, sáng lóa. Những con ngõ ở đây quanh co và nối liền với nhau như một ma trận, người lạ đi vào đây sẽ rất dễ bị lạc, nhưng với họ thì đã quen thuộc từ lâu.

Hai người đi qua một cái quán điện tử, bên trong lũ trẻ con ngồi lố nhố, chúng vừa chơi vừa tranh cãi ì xèo với nhau bên những màn hình xanh đỏ nhấp nháy. Đi thêm đoạn nữa thì bắt một gặp xưởng cơ khí với cánh cổng sắt xập xệ và hoen rỉ phía trước. Bên trong nhà xưởng, đèn bật sang trưng như sân khấu. Tiếng máy hàn lẹt xẹt, ánh sáng xanh lè lóe lên, tiếng sắt leng keng, loảng xoảng va vào nhau chói tai. Ở chỗ khúc cua có một dãy tường bao chạy dài, bức tường đã cũ, để lộ ra lớp vữa bong tróc màu nâu xỉn. Dù có vẻ đổ nát và xiêu vẹo, nhưng chẳng hiểu vì sao người ta vẫn còn chưa tháo dỡ bức tường ấy đi. Trên bề mặt bức tường dán nhâm nhút các tờ quảng cáo bán hàng. Họ còn sơn lên đó những quảng cáo khoan cắt bê tông, sửa chữa điện nước… và có cả những số điện thoại ở ngay bên dưới. Nhưng tất cả đều đã bị bóng tối làm cho nhòe đi, không còn nom rõ nữa.

Quán cơm vẫn còn mở. Đằng sau cái tủ kính đựng thức ăn, bà chủ quán đang lúi húi sửa soạn với một tác phong đĩnh đạc thường thấy. Mái tóc kiểu phi-dê loăn xoăn và cái tạp dề màu xanh đeo trước ngực khiến cho bà như trẻ hơn so với tuổi. Ngay phía trên đầu, cái bóng đèn sợi đốt treo lơ lửng và phát ra một thứ ánh sáng đỏ quạch, tạo cảm giác gần gũi, ấm cúng.

Quán nằm ngay ở ngã tư, đối diện với một ngôi trường tiểu học. Hai người bước vào trong, mùi xào rán, mùi thức ăn sộc ngay vào mũi. Nước miếng Long bất giác túa ra, cái bụng réo lên sùng sục. Giờ này quán đã vắng khách, chỉ thấy vài ba bàn ở phía trong là còn đang có người ngồi. Mấy người đó ăn một cách thong thả, vừa ăn họ vừa tận hưởng cái không khí bình lặng và thư giãn cuối ngày. Long đi đến chỗ quày để gọi thức ăn. Trên các bàn đã để sẵn bát; thìa, đũa, giấy lau được để trong một cái ống nhựa, và còn có cả một cái ca đựng nước để cho khách súc miệng sau khi ăn xong. Hải Dương chọn một cái bàn gần quày và ngồi xuống. Anh lau bát đũa cho cả hai, rồi ngồi bắt chéo chân, đưa ánh mắt nhìn quanh, lơ đãng.

Chỉ một loáng Long đã gọi xong món. Anh chàng quay lại, kéo chiếc ghế nhựa ngồi đối diện với Hải Dương.

- Mình uống ly bia giải khát nhé. Hè đến thật rồi. Nóng thật! – Long nói và phanh rộng cổ áo, miệng thở phì phò như kéo bễ.

- Một ý kiến không hề tồi chút nào! – Hải Dương nheo mắt, đồng tình.

Long ngoái đầu về phía quày, gọi:

- Cô cho hai ly bia!

- Bàn của anh Hải Dương hai ly bia nhé! – Giọng bà chủ quán vang lên, cao vút.

Cô người làm có tướng hộ pháp bê đến và đặt xuống bàn hai ly bia hơi còn sủi bọt, mát lạnh.

Hai người chạm ly. Long tu một hơi gần hết nửa ly bia, những đám bọt trăng trắng bết lại, vỡ ra và tan dần trên bộ ria màu hung hung.

- Thế nào? Mối duyên kỳ ngộ của cậu giờ này đến đâu rồi? – Long vuốt vuốt bộ ria đẫm nước, nháy mắt, hỏi.

Một thoáng bối rối hiện trên khuôn mặt Hải Dương. Anh thẩn thờ nhìn xuống mặt bàn, trán nhăn lại, một vệt dài hình chữ nhất hằn sâu chạy dọc giữa hai hàng chân mày.

- Chúng mình vẫn đang thời gian tìm hiểu nhau!...Kiều Loan là một cô gái nhút nhát, nàng không được mạnh bạo như nhiều cô gái khác ở thành phố…- Sau cùng Hải Dương cũng rụt rè bộc bạch. Long là người bạn thân nhất, vì vậy mà anh không muốn dấu bạn điều gì, kể cả đó là nổi niềm sâu kín nhất của lòng mình.

Trong chuyện tình cảm, Kiều Loan không tỏ ra xa cách, cũng chẳng chủ động gần gũi với anh. Giống như cánh bướm chập chờn trước mắt, khi gần, khi xa, khiến cho người ta chỉ có thể chiêm ngưỡng vẻ đẹp mê hồn của nó nhưng chẳng có cách nào mà chạm tay tới được. Cô giữ một khoảng cách đủ gần để giữ anh, để anh phải theo đuổi cô. Có những lúc cô nhìn anh tình tứ nhưng không đủ lả lơi để anh có lý do trăng gió. Cô nói những lời âu yếm nước đôi, khiến anh phải nhọc lòng dò đoán, nghĩ ngợi. Cô khiến cho anh si mê, hy vọng, đau khổ, chới với giữa hai bờ mơ và thực.  

- Chúc cho hai người nhanh chóng tìm được đường đến với trái tim của nhau! – Long lại nâng cốc, nói như đang đi guốc trong bụng bạn mình. Rồi anh lại mỉm cười ý nhị, nói mà như để phân trần – Cùng ở chung một nhà, nếu cậu đau khổ vì tình thì tớ là anh chàng đầu tiên bị vạ lây chứ chẳng phải ai khác đâu. Được nghe người ta ca hát, chẳng phải là tốt hơn suốt ngày phải nghe những lời than vãn sầu bi hay sao?!

Hải Dương nâng ly uống một hơi cạn. Hơi men sộc lên khiến anh chực muốn sặc, khắp người cảm thấy phừng phừng. Toàn bộ khuôn mặt điển trai của anh đỏ ửng lên, chỉ có những nơi sát với chân tóc là vẫn còn nhìn thấy một màu sáng trắng, bềnh bệch.

- Uống thêm cốc nữa nhé! – Long nói.

Hải Dương đẩy cái cốc ra.

- Thôi! Mình chỉ uống vậy thôi!...

- Thì thôi vậy!...- Long tặc lưỡi, vẻ tiếc rẻ.

Hai người bắt đầu lấy cơm ăn. Đang lúc đói bụng, Long ăn như hổ vồ, miệng nhồm nhoàm cứ như sợ có ai đó tranh mất. Anh chàng cầm thìa húp sùm sụp, thoải mái thưởng thức món canh khoai sọ vừa bùi vừa béo ngậy với một dáng vẻ rất ngon lành. Ngược với bạn mình, Hải Dương có vẻ không được vui, kể cả trong khi ăn, hai con mắt anh vẫn luôn ánh lên vẻ mệt mỏi âm thầm, giống như một nổi muộn phiền, sầu nhớ.

Mấy người ngồi ở trong góc đã ăn xong, họ đứng dậy thanh toán tiền rồi ra về. Lại có thêm vài người nữa dắt díu nhau đi vào trong quán. Họ gọi món, rồi lại đi vào ngồi gần cái bàn mà mấy người kia vừa mới đi ra. Một không khí thư thả, bình lặng, không có cái vẻ gì là xô bồ và tấp nập như hồi ban ngày. 

Ăn xong, Long và Hải Dương ra về. Ra khỏi quán, Hải Dương dừng lại, nói:

 - Về nhà pha nước uống nhé. Khỏi phải ngồi quán nước nữa!

 Trên đường về, họ ghé vào ngôi hàng tạp hóa bên đường để mua thuốc lá. Người bán hàng tuổi trung niên, ông ta mặc quần sooc, áo may ô và có cái bụng phệ ngấn mỡ.

 - Anh cho gói thuốc! – Hải Dương nói.

 - Thuốc gì? – Người đàn ông đưa tay sửa cặp kính cận lấp loáng, ngơ ngác hỏi lại. Có vẻ như ông ta không quen bán hàng cho lắm.

 - Vi Na!

 Ông ta đứng dậy, lục lọi trên quày một lúc rồi lấy ra gói thuốc lá đưa cho khách:

 - Mười ngàn!

 Họ thanh toán tiền rồi lại tiếp tục đi. Trước cửa những ngôi nhà tranh tối tranh sáng, từng đám người ngồi xúm xít vừa uống nước đá, vừa chuyện trò, hóng mát. Người ta mang về đây đủ những câu chuyện từ khắp hang cùng ngõ hẽm của thành phố, những tin tức thu lượm được trên báo đài, ti vi để làm chủ đề tán gẫu cuối ngày. Gió phe phẩy thổi, làm dịu đi phần nào cái nóng nực của mùa hè. Trên những tầng cao, những khung cửa sổ mở toang đón gió, ánh điện lấp lánh như sao.